PCI 2017: TÂY NINH XẾP HẠNG 19/63 TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ ĐỨNG THỨ 4 TRONG KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ

Thứ ba - 27/03/2018 14:00 144 0
Buổi lễ công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017, được tổ chức bởi Phòng Thương mại và và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã diễn ra sáng ngày 22/3/2018 tại Hà Nội. Với quy mô điều tra toàn diện, Báo cáo PCI 2017 tiếp tục là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá về môi trường kinh doanh của 63 tỉnh, thành tại Việt Nam nói riêng và của cả nước nói chung. Đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm nay là tỉnh Quảng Ninh, tỉnh có chất lượng điều hành liên tục được xếp trong top 5 của cả nước kể từ năm 2013 đến nay. Đà Nẵng, từng giữ vị trí đầu bảng trong suốt 4 năm, cùng Đồng Tháp nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Bốn tỉnh có chất lượng điều hành tốt là Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Quảng Nam.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, thứ hạng PCI của Tây Ninh luôn được cải thiện qua các năm và được đánh giá là địa phương có chỉ số PCI ổn định và bền vững tính từ năm 2013 đến nay. Trong bảng PCI năm 2017, với điểm số 63,82/100 điểm, Tây Ninh xếp hạng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 01 bậc so với năm 2016, vẫn ở nhóm khá. So với 7 tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, Tây Ninh xếp hạng thứ 4, sau các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
1234567890.png
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Tây Ninh có đến 07 chỉ số có sự chuyển biến khá tích cực so với năm 2016, đó là: Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động. Có được kết quả này là do sự điều hành quyết liệt của chính quyền tỉnh Tây Ninh, không ngừng nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, thực hiện cải cách trên nhiều lĩnh vực, thiết lập nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư đồng thời thường xuyên tổ chức đối thoại chính quyền – doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Tây Ninh vẫn còn 03 chỉ số bị giảm điểm nhẹ so với năm 2016 chính là: chỉ số cạnh tranh bình đẳng (giảm 0,2 điểm), chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (giảm 0,07 điểm) và đặc biệt, chỉ số bị giảm điểm khá nhiều so với năm 2016 là chỉ số gia nhập thị trường (giảm 1,23 điểm), đây là chỉ số được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh với nhau (Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, một số thủ tục tại Bộ phận Một cửa, ...). Để gia tăng chỉ số này, chính quyền tỉnh Tây Ninh cần đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch, công bằng giữa các thành phần kinh tế, có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập tích cực hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc gia nhập thị trường; hiện đại hóa bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tránh tình trạng liên hệ với nhà đầu tư quá nhiều lần để bổ sung hồ sơ; đồng thời tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Hy vọng với những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh, chỉ số PCI tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục phát triển ổn định, có chiều hướng gia tăng và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới.

TUỆ LÂM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây