Tây Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới

Thứ tư - 26/08/2015 17:00 58 0
Đồng bào Chăm ở Tây Ninh có gần 4.000 người, sống theo các cụm dân cư tập trung ở thành phố Tây Ninh và các huyện Tân Châu, Tân Biên và một bộ phận nhỏ sống đan xen với các dân tộc thiểu số khác. Trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, đồng bào Chăm luôn đoàn kết cùng các dân tộc anh em đóng góp công sức vào thắng lợi chung của tỉnh nhà. Trong những năm qua, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về vận động quần chúng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành quan tâm thiết thực việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi cơ bản về đời sống của đồng bào dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đại bộ phận đồng bào Chăm đã đến định cư, định canh các vùng kinh tế mới tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, một số ít còn đang sinh sống tại khu phố 2, phường I, thành phố Tây Ninh, cuộc sống chuyển sang sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, một số ít buôn bán nhỏ lẻ. Thông qua Chương trình 134, 135 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay 100% xã, phường có đồng bào Chăm đã có hệ thống nước sinh hoạt nông thôn, trên 70% hộ dân tộc Chăm được sử dụng điện lưới quốc gia, đã cấp 60,71 ha đất cho các hộ thiếu đất sản xuất, hỗ trợ 131 nhà ở cho hộ nghèo dân tộc Chăm với diện tích 8.980 m2…Đồng bào Chăm tích cực áp dụng cơ giới hóa, đưa kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, mía… Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, an ninh trật tự được ổn định.

Tây Ninh còn quan tâm đầu tư và có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự đối với đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tây Ninh có 01 trường tiểu học dạy song ngữ Việt – Chăm (trường Tiểu học Tân Hưng A, huyện Tân Châu); có 01 trường Phổ thông dân tộc nội trú tại thành phố Tây Ninh dành cho con em dân tộc thiểu số, trong đó có con em người Chăm. Học sinh dân tộc Chăm trong tỉnh được miễn học phí, miễn đóng góp các loại quỹ và được cấp học bổng theo Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg, ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, học sinh dân tộc Chăm được cử tuyển hệ đại học và dự bị đại học; học sinh, sinh viên đi học ngoài tỉnh được học bổng và trợ cấp theo quy định. Ngoài Quỹ khuyến học chung, người Chăm đã xây dựng được Quỹ khuyến học riêng để tạo điều kiện cho học sinh dân tộc Chăm nghèo hiếu học. Theo thống kê, tổng số học sinh Chăm tại Tây Ninh có 227 học sinh cấp I, 139 học sinh cấp II, 80 học sinh cấp III , 36 sinh viên đại học, cao đẳng.

100% đồng bào dân tộc Chăm nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Ngành y tế còn thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng dân tộc Chăm. Những năm gần đầy, các cụm dân cư của đồng bào Chăm không xảy ra dịch bệnh, tỉ lệ sinh và trẻ em suy dinh dưỡng được kéo giảm.

Cùng với việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, các cấp chính quyền đã tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm nói riêng, nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp đồng bào hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Công tác xây dựng Đảng, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng đội ngũ cán bộ người Chăm được quan tâm thực hiện. Nhiều cán bộ người dân tộc Chăm tham gia cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, một số làm Bí thư chi bộ ấp, người giữ chức vụ cao nhất là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Châu. Toàn tỉnh hiện có 06 đảng viên người Chăm, 15 người là thành viên UBMTTQVN các cấp.

Ngoài ra, công tác bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc Chăm luôn được chú trọng. Các ngành chức năng tỉnh đã khảo sát, sưu tầm và chọn lọc dân ca Tây Ninh trong đó có sưu tập 20 bài dân ca dân tộc Chăm góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc Chăm; được chọn tham gia đoàn hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc theo cụm và toàn quốc.

Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành quan tâm thiết thực đến việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm đạt được những thành tựu trên các mặt, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi cơ bản về đời sống của đồng bào dân tộc, xóa đói giảm nghèo, hướng đến xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.

Thành Đặng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây