Trên địa bàn tỉnh hiện nay có một đơn vị cấp nước là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh, về quy mô đến 31/12/2016 có 01 nhà máy nước Tây Ninh và 05 Trạm cấp nước cho khu vực đô thị (Trạm cấp nước Gò Dầu, Trạm cấp nước Trảng Bàng, Trạm cấp nước Bến Cầu, Trạm cấp nước Hòa Thành, Trạm cấp nước Châu Thành).
Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Tây Ninh (ảnh nguồn Báo Tây Ninh Online).
Nhà máy nước Tây Ninh với công suất thiết kế 18.000 m3/ngđ (ngày đêm), sử dụng nguồn nước mặt cấp nước cho nội thị thành phố Tây Ninh, một phần huyện Hòa Thành, huyện Châu Thành và huyện Dương Minh Châu. Trạm cấp nước Gò Dầu công suất thiết kế 2.500m3/ngđ, sử dụng nguồn nước ngầm cấp nước cho thị trấn Gò Dầu. Trạm cấp nước Trảng Bàng có 2 trạm xử lý tổng công suất thiết kế 2.400 m3/ngđ, sử dụng nguồn nước ngầm cấp nước cho thị trấn Trảng Bàng. Trạm cấp nước Bến Cầu công suất thiết kế 2.500 m3/ngđ, sử dụng nguồn nước ngầm cấp nước cho thị trấn Bến Cầu, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và một số khu vực lân cận.
Trạm cấp nước Hòa Thành (Trạm dự phòng chưa vận hành) với công suất thiết kế 2.000 m3/ngđ, sử dụng nguồn nước ngầm cấp nước cho thị trấn Hòa Thành và các xã Long Thành Trung, Long Thành Bắc, Hiệp Tân. Trạm cấp nước Châu Thành (Trạm dự phòng) với công suất thiết kế 1.000 m3/ngđ, sử dụng nguồn nước ngầm cấp nước cho thị trấn Châu Thành và các xã Thanh Điền, Thái Bình, Trí Bình.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 05 khu công nghiệp (KCN Trảng Bàng, Khu Chế xuất và Công nghiệp Linh Trung 3, KCN Thành Thành Công, KCN Phước Đông, KCN Chà Là, KCN Tân Hội, KCN Bến Kéo) đang hoạt động, có 06 công trình cấp nước với tổng công suất 38.000 m3/ngđ, trong 06 công trình có 01 công trình do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh quản lý khai thác (tại KCN Trảng Bàng), 05 công trình do các chủ đầu tư hạ tầng của các khu công nghiệp xây dựng và quản lý khai thác và 02 khu công nghiệp đang hoạt động, đều đầu tư trạm cấp nước.
Ngoài nhu cầu dùng nước tại các đô thị, nông thôn và các khu, cụm công nghiệp tập trung, trên địa bàn tỉnh còn có một số nhu cầu dùng nước khác đó là các đơn vị thương mại-dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm ở thành phố và các huyện trong tỉnh nơi chưa có hệ thống cấp nước tập trung đưa tới hoặc đã có nhưng các đơn vị này vẫn sử dụng nguồn nước ngầm bằng các giếng khoan cục bộ. Với các lĩnh vực hoạt động sản xuất như chế biến mì, cao su,…hàng ngày tiêu thụ một lượng nước tương đối lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 288 doanh nghiệp thương mại-dịch vụ và cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện tại nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của các đơn vị này là nguồn nước ngầm khai thác cục bộ bằng các giếng khoan công nghiệp cục bộ thông qua hệ thống mạng lưới từ các nhà máy tập trung, với tổng lưu lượng khai thác 99.000-100.000 m3/ngày bằng 885 giếng khoan.
Về tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch bình quân (tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch) năm 2014 là 31,39%, năm 2015 là 35,41%, năm 2016 là 36,25%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị năm 2015 là 22,25%, năm 2016 là 20,03%.
Mặc dù, hệ thống cấp nước trong các đô thị cơ bản đã được hình thành và đã phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt dân cư và sản xuất, tuy nhiên, đầu tư cho công trình cấp nước đô thị đòi hỏi nguồn vốn lớn, chủ yếu từ các chương trình mục tiêu quốc gia của chính phủ, các nguồn vốn ODA, việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cấp nước đô thị còn hạn chế, đến nay một số thị trấn chưa được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung (như thị trấn Dương Minh Châu, thị trấn Tân Châu, thị trấn Tân Biên). Vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để cải thiện công tác cấp nước sạch đô thị. Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển sản xuất của các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn còn hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến việc đầu tư mở rộng mạng phân phối, nâng cấp và hiện đại hóa ngành cấp nước. Thiết bị và mạng lưới đường ống cấp nước chưa đầu tư, cải tạo, hiện đại hóa kịp thời, khai thác chưa hiệu quả, tỷ lệ thất thoát nước cao. Các đơn vị cấp nước chưa xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch. Việc lập, trình kế hoạch cấp nước an toàn chưa được thực hiện.
Ngoài ra tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng chất lượng nguồn nước, ý thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch còn hạn chế.
Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước, cung cấp nước ổn định, bảo đảm chất lượng, dịch vụ tốt và kinh tế. Khuyến khích người sử dụng nước hợp lý, hợp vệ sinh có kiểm nghiệm, tiết kiệm, an toàn và áp dụng công nghệ tái sử dụng nước cho các mục đích khác như rửa đường, tưới cây. Ngày 01/8/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2006/KH-UBND phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu cấp nước sạch đô thị theo Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 16/10/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; đề ra định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; đề ra các giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên nước; phát triển hệ thống cấp nước đô thị một cách bền vững và ổn định, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm thiểu thất thoát, thất thu nước sạch. Phát triển hoạt động cấp nước trên địa bàn tỉnh bền vững gắn với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng nước sạch an toàn, tiết kiệm. Kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án cấp nước trong đó ưu tiên ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào việc xử lý nước với chi phí đầu ra thấp; tạo điều kiện huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch đô thị theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “ Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.
Kế hoạch triển khai qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 2017-2020 ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước tại các đô thị chưa có hệ thống cấp nước thuộc các huyện: Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên. Cụ thể, xây dựng nhà máy nước Dương Minh Châu với công suất 5.000 m3/ngđ, xây dựng nhà máy nước Tân Châu với công suất 5.000 m3/ngđ; xây dựng nhà máy nước Tân Biên với công suất 2.000 m3/ngđ; Nâng cấp, xây dựng mới tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh (thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, cửa khẩu Xa Mát), cụ thể, xây dựng nhà máy nước Trảng Bàng với công suất 30.000 m3/ngđ, xây dựng nhà máy nước Bàu Năng với công suất 30.000 m3/ngđ; xây dựng nhà máy nước Xa Mát với công suất 5.000 m3/ngđ; Mở rộng mạng lưới cấp nước các đô thị (thành phố Tây Ninh, Trảng Bàng, Hòa Thành, Gò Dầu) đảm bảo tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch. Giai đoạn 20121-2030, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà máy cấp nước theo quy hoạch cấp nước vùng được duyệt; mở rộng mạng lưới cấp nước theo quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch và nhu cầu sử dụng nước sạch toàn tỉnh.
Nguồn vốn thực hiện từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, vốn tài trợ nước ngoài (ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác) và nguồn vốn ngân sách dùng để đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có). Kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và phần góp vốn từ ngân sách (nếu có).
Kế hoạch tập trung vào các giải pháp như hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, trong đó đơn vị cấp nước lập kế hoạch cấp nước an toàn của hệ thống cấp nước do mình quản lý, các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực cấp nước như: Chuyến sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi đầu tư phát triển nhà máy cấp nước; thủ tục đấu nối…; chính sách về cơ chế bù giá nước…; Rà soát thủ tục cải cách hành chính trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư, quy hoạch quản lý đất đai, quản lý xây dựng nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các nhà máy cấp nước theo quy hoạch được duyệt. Thực hiện tốt các quy định về công khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các nhà máy cấp nước.
Quy hoạch đầu tư phát triển và quản lý vận hành hệ thống cấp nước, trong đó, tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước; đầu tư phát triển mạng lưới mở rộng vùng phục vụ cấp nước sạch phù hợp với quy hoạch. Khuyến khích, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân chủ động nghiên cứu, đăng ký làm chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển cấp nước đô thị kết hợp với cấp nước cho khu dân cư nông thôn và khu công nghiệp. Tăng cường năng lực quản lý, quản lý gắn liền với tuyên truyền vận động giáo dục cho cộng đồng. Nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố trong công tác phát triển mạng lưới cấp nước, người dân được tiếp cận sử dụng nước sạch và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn đảm bảo.
Quản lý, sử dụng nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, khoanh vùng bảo vệ nguồn nước ngọt trên sông Sài Gòn, sông Tha La, Hồ Dầu Tiếng, hệ thống kênh Tây, kênh Tân Hưng; khoanh vùng các lưu vực dọc theo sông cần bảo vệ để tránh ô nhiễm nguồn nước ngọt và nước ngầm; Quản lý khai thác nước ngầm, đánh giá trữ lượng và vấn đề khai thác và các giếng khoan mới, quy trình đào giếng, kiểm soát theo dõi giếng đang khai thác; Kiện toàn hệ thống các trung tâm, các trạm bảo vệ thực vật đảm bảo khả năng kiểm soát đầu vào và đầu ra trong hoạt động sử dụng phân bón và các hóa chất bảo vệ thực vật khác; tổ chức mạng lưới quan trắc chất lượng nước trên các con sông chính, có nhiệm vụ thường xuyên khảo sát, lấy mẫu thí nghiệm đánh giá chất lượng nước tại các vị trí đặc trưng có thể mô phỏng được toàn cảnh hệ thống sông, kênh rạch về chất lượng, các diễn biến về lưu lượng và các yếu tố ảnh hưởng; hệ thống quan trắc có thể kết hợp với các hệ thống quan trắc không khí, ảnh hưởng biến đổi khí hậu…đa mục tiêu trong hệ thống kiểm soát môi trường toàn tỉnh; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu làm suy giảm chức năng nguồn nước gây sụt, lún đất, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Công tác chống thất thoát, thất thu nước sạch, trong đó tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình quốc gia chống thoát, thất thu nước sạch như đầu tư mở rộng, cải tạo các tuyến ống cũ, rò rỉ và các trang thiết bị quản lý hệ thống cấp nước thông minh nhằm kiểm soát số liệu, đảm bảo áp lực làm việc thích hợp cho mạng lưới, giảm thiểu các sự cố xì, vỡ ống, giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch; khuyến khích sử dụng vật tư, thiết bị có chất lượng cao được sản xuất trong nước khi đầu tư xây dựng và cải tạo công trình cấp nước; trong quá trình lập dự án, thiết kế đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước, các đơn vị thiết kế phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, phân vùng tách mạng, thiết kế lắp đặt van khóa, thiết bị đồng bộ,…để đảm bảo trong việc kiểm soát, giảm thất thoát và cấp nước an toàn khi đưa vào nhà máy vào vận hành, quản lý.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức phổ biến, giáo dục, hướng dẫn nhân dân bảo vệ cộng trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước; tổ chức hội thảo chuyên đề về nước sạch, lợi ích việc sử dụng nước sạch, vệ sinh an toàn và chất lượng cuộc sống; tuyên truyền, phổ biến vận động người dân sử dụng nước sạch đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm hiệu quả.
Kiểm tra, giảm sát hoạt động cấp nước, kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện các quy định về đảm bảo cấp nước an toàn theo quy định của pháp luật; kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai nội dung kế hoạch cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước.
Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị cấp nước, sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc thực hiện các công việc có liên quan.
MN