Người dân phường 3 ra quân dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường (ảnh Nhật Quang).
Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp đã tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để khắc phục ô nhiễm được ngành chức năng xác nhận mới được họat động. Các ban, ngành đoàn thể chủ động thực hiện tuyên truyền, vận động tầng lớp nhân dân bảo vệ môi trường và giám sát việc chấp hành các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhận thức được trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường nên đã đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định, thực hiện quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đúng theo quy định của pháp luật, do đó chất lượng các thành phần môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện.
Cùng với đó, trong năm 2016, 2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo điều hành trong công tác bảo vệ môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh đã phối hợp với các sở, ngành, các cấp thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường. Treo băng rôn, pa nô, áp phích. Tổ chức tập huấn cho cán bộ Đoàn viên thanh niên; cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cơ sở, giáo viên từ bậc học mẫu giáo, phổ thông và trường chuyên nghiệp; các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ban ngành liên quan, UBND huyện Tân Châu tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới năm 2016, năm 2017; Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2016. Tổ chức đào tạo và cấp giấy chứng nhận về môi trường cho trên 250 cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Tổ chức Hội thảo về lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải với sự tham dự hơn 100 doanh nghiệp. Tổ chức 03 lớp tập huấn về môi trường cho hơn 350 cán bộ là phòng TNMT các huyện, thành phố, cán bộ địa chính, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 03 lớp tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tham gia giảng dạy tập huấn về môi trường cho các hội viên, đoàn viên thanh niên, cán bộ địa chính các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 03 hội thi về môi trường cho đối tượng là Đoàn thanh niên các cấp. Phối hợp với UBMT Tổ quốc tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Kế hoạch Xây dựng mô hình điểm thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh năm 2016.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ...) đã tích cực thực hiện các chương trình truyền thông và xây dựng các mô hình dân cư tự quản về bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao. Vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tổ chức làm vệ sinh xóm ấp thực hiện tiêu chí 17 về xây dựng nông thôn mới.
UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày môi trường Thế giới năm 2016, năm 2017; Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2016 với sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân bằng các hoạt động thiết thực như: treo băng ron khẩu hiệu, phát tờ rơi và tổ chức mít tinh, diễu hành, sinh họat chuyên đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, tổ chức các hoạt động làm sạch môi trường, không vứt rác bừa bãi, đổ rác đúng nơi quy định, trồng và chăm sóc cây xanh, phát quang bụi rậm, vệ sinh nơi ở nơi làm việc và nơi công cộng, thi tìm hiểu về môi trường.... Tổ chức các lớp tập huấn về môi trường với sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể cấp huyện, cấp xã như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên.
Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường bước đầu đã tạo nên những chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân, hệ thống tổ chức làm công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở đang dần ổn định và đi vào nề nếp.
Trong năm 2016, 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện hoàn chỉnh 03 dự án về biến đổi khí hậu gồm: Điều tra, xây dựng mô hình khu công nghiệp carbon thấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. - Đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn trong ngành chế biến tinh bột khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, triển khai thực hiện các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ứng dụng kết quả các dự án đưa ra các mô hình, giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 gồm các chương Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên và Biến đổi khí hậu; Bảo vệ môi trường vùng đô thị; Bảo vệ môi trường Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; Bảo vệ môi trường Nông nghiệp và nông thôn và du lịch; nâng cao nhận thưc cộng đồng, năng lực quản lý đào tạo.
Công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 Khu công nghiệp và 06 Cụm công nghiệp đang hoạt động. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Các khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước thải và nước mưa riêng biệt, các khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn quy định (QCVN 40:2011/BTNMT cột A) trước khi xả ra môi trường. Đã có 04/05 KCN lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kết nối dữ liệu quan trắc đến Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh. Các nhà máy đầu tư bên trong khu công nghiệp đều được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Các nhà máy đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy định, thực hiện tốt công tác thu gom, quản lý chất thải rắn. Các cụm công nghiệp đều thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết xây dựng hệ thống xử lý chất thải trước khi hoạt động đúng theo quy định. Do các cụm công nghiệp mới thu hút được 11 dự án họat động, chủ yếu là các dự án ít phát sinh ô nhiễm môi trường, các dự án này đều đã đầu tư các công trình xử lý chất thải theo quy định nên không gây tác động tiêu cực lớn đến môi trường.
Ngoài Quy họach tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 được phê duyệt Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của Pháp luật, các chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình và Dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều được thẩm định các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi phê duyệt. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với các dự án đầu tư mới đều được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải rắn,.. nhìn chung đều gắn liền với quy hoạch bảo vệ môi trường.
Công tác cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được quan tâm thường xuyên và từng bước đi vào nề nếp, các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới và gia hạn đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là 100%, thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, quan trắc giám sát ô nhiễm được thực hiện thường xuyên, liên tục tạo nên những bước phát triển mới trong hoạt động bảo vệ môi trường. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xử lý triệt để việc xả nước thải của các Khu Công nghiệp, Khu chế xuất, nhà máy chế biến mía đường, chế biến tinh bột khoai mì, cao su, Bệnh viện và các cơ sở sản xuất đang họat động trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, phải xử lý đạt cột A, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Kiên quyết đình chỉ họat động các cơ sở chưa nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt cột A, đặc biệt là các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì và cao su. Các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ ít gây ô nhiễm và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải để bảo vệ môi trường theo quy định. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án quản lý ô nhiễm các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy, vốn ODA: 1,189 triệu USD; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương: 46 ngàn USD tương đương 1,007 tỷ VNĐ. Ngoài ra, tỉnh còn tích cực phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh quan trắc nước sông Vàm Cỏ Đông với tần suất từ 04 -12 lần/năm, vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5) đã tăng tần suất tại một số vị trí thường xảy ra cá chết ở rạch Tây Ninh và sông Vàm Cỏ Đông lên một lần/ngày để theo dõi diễn biến chất lượng nước và có biện pháp xử lý, ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm.
Trong thời gian qua, việc nhập khẩu phế liệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo các quy định về nhập khẩu phế liệu. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 03 Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác nhập khẩu phế liệu trên địa bàn tỉnh.
Việc ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài cũng được cơ quan chức năng quan tâm, thực hiện. Trong năm 2016 và 2017, tỉnh đã tổ chức thực hiện các 05 dự án Giám sát đa dạng sinh học và giám sát sử dụng tài nguyên rừng, dịch vụ môi trường rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát; Xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, giai đoạn 2014 – 2016; Điều tra, đánh giá, theo dõi môi trường nước tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát; Kiểm kê và giám sát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát; Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc ở Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát tỉnh Tây Ninh phục vụ cho yêu cầu bảo tồn và phát triển.Nghiên cứu bảo tồn các loài Linh Trưởng ở Vuờn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát tỉnh Tây Ninh. Bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ ở Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát tỉnh Tây Ninh.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, bước đầu tạo được bước chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được ngăn chặn; giảm dần số lượng và mức độ tác động của các nguồn thải chủ yếu hiện đang gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường của tỉnh đã được cải thiện; Chất thải rắn, chất thải nguy hại và chất thải y tế được quản lý tốt hơn thông qua các hoạt động kiểm soát nguồn phát thải, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và đầu tư các công trình xử lý chất thải đạt quy định về môi trường; Độ che phủ rừng tăng, bảo tồn đa dạng sinh học được cải thiện; Tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh và đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường tăng; Ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu, hạn chế gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính gắn với bảo vệ môi trường. Có thể nói, những tiến bộ của công tác quản lý môi trường đã góp phần hạn chế được mức gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2016-2017 công tác quản lý nhà nước về môi trường của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế. Ý thức bảo vệ môi trường vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của nột bộ phận dân cư, một số nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; Chất lượng môi trường của tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng có lúc, có nơi chưa ổn định; chất lượng nguồn nước lưu vực sông Vàm Cỏ Đông chưa đạt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra là phục vụ cho cấp nước sinh hoạt. Một số Khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài Khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định nhưng có lúc còn xảy ra sự cố, vận hành hệ thống xử lý không đúng quy trình nên xả nước thải không đạt quy định ra môi trường; rác thải phát sinh từ đô thị đến khu tập trung dân cư chưa được phân loại, thu gom và xử lý triệt để; rác thải y tế, nước thải của các bệnh viện đã được Nhà nước đầu tư công tình xử lý nhưng có lúc chưa được thu gom và xử lý theo quy định về môi trường; Công tác quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học và trong lĩnh vực khí tượng thủy văn chưa được chặt chẽ.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong đó, tập trung hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động công nghiệp, xây dựng, giao thông ở khu công nghiệp, đô thị; xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại ở các đô thị, khu công nghiệp; xử lý ô nhiễm các kênh, rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng; xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, khắc phục một số điểm nóng về môi trường do tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật...
MN