Tây Ninh: Góp ý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thứ sáu - 17/04/2015 09:00 78 0
Sáng nay 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Lê Minh Trọng- Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì.

gop y 1.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Các ĐBQH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu tập trung góp ý một số vấn đề trọng tâm trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, như: Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Phân định thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương;

Cách thức và nội dung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của HĐND, UBND; Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND trong một số lĩnh vực cụ thể; Cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND.

Qua quá trình thảo luận, các đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bố cục chính quyền địa phương ở từng đơn vị hành chính trong từng chương riêng đã thể hiện sự rõ ràng, mạch lạc, giải quyết dứt điểm các vấn đề về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở từng loại đơn vị hành chính, thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật.

gop y 2.jpg

Đại biểu tham dự hội nghị từ điểm cầu Tây Ninh.

Đồng thời, dự thảo Luật còn quy định Chủ tịch UBND với vai trò là người đứng đầu UBND, có những nhiệm vụ, quyền hạn độc lập trong việc thực thi các nhiệm vụ về hành chính của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, việc góp ý kiến cho dự thảo Luật trong việc Tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị cần có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý từng địa bàn.

Có ý kiến lại đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có HĐND và UBND, nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.

Đa phần các ý kiến cho rằng, tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều nên tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND-UBND), nhưng cần làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp, có ý kiến đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm giữa HĐND và UBND trong Luật này; nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng hoạt động của HĐND các cấp còn nặng về hình thức, hiệu quả chưa cao.

Đề nghị cần tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, quy định rõ tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND...

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây