Môṭ góc “làng Việt kiều” Campuchia ở xã Tân Thành, Tân Châu. |
Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 821 hộ với 3.683 nhân khẩu là Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về sinh sống, chủ yếu tại các huyện Tân Biên (230 hộ), Tân Châu (379 hộ) và huyện Dương Minh Châu (123 hộ). Cuộc sống đa số người dân còn nhiều khó khăn, chưa có nhà ở ổn định, không có đất sản xuất, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, đánh bắt cá trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng…
Để giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con, trong thời gian qua tỉnh đã quan tâm thực hiện một số chính sách như hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu 15 kg gạo/tháng trong 3 tháng đầu khi mới di cư về Việt Nam; hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh thông thường, thuốc khử trùng phòng dịch với mức 100 ngàn đồng/người/tháng… Đến ngày lễ, tết, tỉnh xuất ngân sách và vận động mạnh thường quân đến thăm hỏi, tặng quà, bảo đảm cho mọi người được vui xuân, đón tết.
Ngoài ra, tỉnh còn xem xét, giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho 89 trường hợp, đăng ký hộ tịch cho 219 trường hợp, đăng ký khai sinh cho 403 trường hợp. Hầu hết trẻ em ở đây có nhu cầu đi học văn hóa đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện đến trường.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, hiện nay việc giải quyết các thủ tục liên quan đến quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân… cho bà con việt kiều Campuchia di cư tự do trở về đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được các bộ, bgành của Trung ương phối hợp tháo gỡ, như: nhiều người không có bất cứ giấy tờ nào để có thể làm căn cứ, chứng minh là có nguồn gốc, có quốc tịch Việt Nam; một số hộ không có chỗ ở ổn định, thường di chuyển nhiều nơi khác nhau, không đăng ký tạm trú… từ đó địa phương khó tiến hành các thủ tục đăng ký hộ tịch, mà không giải quyết được vấn đề hộ tịch, thì không có cơ sở để cấp sổ hộ khẩu và thẻ căn cước công dân.
Trẻ em “làng Việt kiều” Campuchia. |
Song song đó, việc cấp giấy đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh ra cũng gặp nhiều trở ngại, do không xác định được thông tin của người thân, cha, mẹ của trẻ.
Theo Báo Tây Ninh Online