Xử lý tốt vấn đề môi trường, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển

Thứ năm - 28/07/2016 17:00 44 0
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải thì vấn đề phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, dù lớn hay nhỏ là cũng rất cần thiết và đây cũng là một trong những giải pháp phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Góp phần cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân. Một khi vấn đề môi trường được xử lý tốt sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.

​​IMG_0017.JPG

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, về lĩnh vực môi trường, tỉnh đã giải quyết được rất nhiều điểm nóng về môi trường, như: giải quyết được các lò mì ở Phường III - một thời gian dài gây ô nhiễm môi trường; những cơ sở tiểu thủ công nghiệp, lò bún, cơ sở giết mổ ở Hiệp Ninh hay là cụm lò mì ở Bình Minh trên địa bàn Thành phố Tây Ninh; cụm lò gạch ở Hòa Thành... và đặc biệt là giải quyết được cơ bản tình trạng cơ sở chế biến mía, mì, cao su gây ô nhiễm môi trường...

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh cho rằng, trong giai đoạn 2015 - 2020, phải quan tâm đặc biệt đến xử lý môi trường đối với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Bởi theo ông Xuân, toàn tỉnh có khoảng 3.000 cơ sở nhỏ lẻ nằm khắp nơi trong tỉnh như: các lò giết mổ gia súc, cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, nhà ăn, nhà hàng,... Tuy rằng, mỗi cơ sở nhỏ lẻ lượng nước thải không lớn nhưng nhiều cơ sở cộng lại cũng bằng nhiều nhà máy lớn. Đồng thời với đó là phải xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, với số lượng hàng trăm ngàn dân thì phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới bảo vệ được các dòng sông.

"Về mặt pháp luật, người sản xuất phải có trách nhiệm xử lý chất thải của mình, dù đó là nước thải, rác thải hay là khí thải. Nếu cơ sở sản xuất không xử lý được thì, các cơ quan chức năng sẽ xử lý, thậm chí là đóng cửa vĩnh viễn nếu như không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường" - ông Xuân nhấn mạnh và phân tích: "việc xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không gây hại cho sản xuất như chúng ta nghĩ mà ngược lại làm cho sản xuất phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn và hài hòa với lợi ích của người dân. Hơn nữa, việc giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường của các ngành nghề này, giúp cho ngành nghề này phát triển tốt hơn, đó là việc mở rộng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường. Như vậy, chúng ta đã thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng là phát triển bền vững, nghĩa là sản xuất có phát triển, có phát triển công nghiệp nhưng vẫn bảo vệ được môi trường".

Trên thực tế, đối với các cơ sở nhỏ, dù đầu tư hệ thống xử lý nước thải không quá đắt tiền nhưng nguồn lực ít, cũng là một khó khăn lớn đối với những cơ sở này. Do đó, chính quyền cần có giải pháp hỗ trợ về: giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, cho vay ưu đãi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở này xử lý chất thải. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt ở đô thị, khu dân cư chảy ra sông Vàm Cỏ Đông thì tỉnh cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, trước mắt là ở Thành phố Tây Ninh, Châu Thành, Trảng Bàng,...

Theo ông Xuân, tỉnh đã có Nghị quyết rồi, bây giờ, từng cấp, từng ngành phải xây dựng chương trình hành động và gắn kết lại với nhau, nhất là gắn kết việc bảo vệ môi trường với xây dựng Nông thôn mới. Các ngành, các cấp phải chỉ đạo trong địa phương, ngành của mình phải giải quyết tốt vấn đề môi trường trên địa bàn của mình. Còn Sở Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh, cho Tỉnh ủy về công tác này sẽ thường xuyên có văn bản nhắc nhở, kiểm tra, giám sát .

Trong vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản, ông Xuân cho rằng cần phải điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng là tập trung khai thác theo khu vực, không khai thác nhỏ lẻ, manh mún và có giải pháp bảo vệ, tránh tác động xấu đến môi trường, cuộc sống của người dân. Đồng thời phải có giải pháp quản lý tốt trong quá trình khai thác nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu của Nhà nước làm đường giao thông nông thôn, phát triển hạ tầng, nhu cầu của nhà đầu tư cần san lấp mặt bằng... Hơn nữa, tài nguyên là một nguồn thu quan trọng trong ngân sách của tỉnh, nên phải đảm bảo hài hòa trong phát triển, đúng theo đường lối của Đảng là phát triển hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân.

Chỉ tiêu về môi trường đến năm 2020:

- Tỷ lệ hộ dân cư được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh: đối với thành thị là 100% và nông thôn là 98%;

          - Tỷ lệ che phủ rừng (bao gồm độ che phủ của cây cao su) đạt 36,2%. Trong đó, tỷ lệ che phủ của rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,3%;

          - Tỷ lệ các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu chế xuất xử lý chất thải rắn, nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: 100%;

          - Tỷ lệ đô thị xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: chất thải rắn (100%), nước thải (50%);

          - Tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%] - Theo văn kiện Đại hội X Đảng bộ tỉnh Tây Ninh.

Vũ Hải 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây