Tây Ninh nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Thứ hai - 02/11/2015 09:00 54 0
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

vali.jpg

Những nạn nhân của bọn buôn người.Ảnh minh họa

​Hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em thường được tập trung ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, các khu du lịch, khu nghỉ mát diễn biến phức tạp. Một thủ đoạn phạm tội mới hiện nay là một số đối tượng người Việt Nam cấu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ để đưa lên thành phố và một số vùng giáp ranh để tổ chức "xem mặt, chọn vợ" rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài. Bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn tiếp cận làm quen với những cô gái mới lớn, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo họ đến các cơ sở dịch vụ việc làm, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage,.... hoặc tìm những phụ nữ đã từng làm gái mại dâm để lừa gạt tìm việc làm ổn định, lao động có thu nhập cao, sau đó bán cho các đối tượng là chủ nhà hàng ép buộc làm gái mại dâm để thu lợi. Chúng lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong môi giới hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch thăm thân nhân để thực hiện hành vi mua bán người.

Trước thực trạng trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh chỉ đạo đơn vị chức năng thành lập các chuyên án phòng chống tội phạm về buôn người; phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh(Bộ Công an), Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an Đồng Nai, Long An để trao đổi thông tin, tổ chức triệt phá, ngăn chặn nhiều đường dây, vụ án liên quan đến nạn buôn người, giải cứu, đưa các nạn nhân về đoàn tựu với gia đình.

Tính từ năm 2011-2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội(PC45) Công an tỉnh Tây Ninh, phối hợp với Công an các địa phương tổ chức đấu tranh triệt phá 24 vụ, đường dây lừa gạt mua bán phụ nữ Việt Nam cho đàn ông nước ngoài, giải cứu được 150 cô gái bị bọn xấu dụ dỗ, xử lý hình sự 118 bị cáo, phạt hành chính 61 đối tượng vi phạm với số tiền phạt 765,5 triệu đồng.

Để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các lực lượng chức năng cần thực hiện một cách kịp thời, đồng bộ một số giải pháp sau:

Tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 09/CT-TW ngày 01/12/1011 Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em; Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 1173/QĐ-TTg ngày 18/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người và Chỉ thị số 08/CT-BCA ngày 05/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong công an nhân dân.

Thực hiện có hiệu quả quy chế số 4057/QCPH-TCCSPCTP-TLBĐBP đã được ký kết ngày 21/10/2010 giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng công tác tuần tra kiểm soát bí mật kết hợp công khai tại khu vực biên giới, các cửa khẩu, các lối mòn để phát hiện, ngăn chặn các tnrờng hợp đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới.

Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật để mọi người dân biết và nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán nguời.

 Tổ chức đặt các hộp thư tố giác tội phạm để thu thập tin báo, tố giác về các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người tại địa bàn. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và các tỉnh lân cận. Thiết lập đường dây nóng (điện thoại, email...) để thu thập các thông tin tố giác tội phạm mua bán người.

 Tổ chức tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho những phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội... tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh miễn phí cho các nạn nhân bị lừa bán, bố trí công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống.

 Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người.

 Các ngành chức năng cần tiến hành một cách khẩn trương, thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản nói trên thì mới có thể kiềm chế, đẩy lùi một cách có hiệu quả loại tội phạm này.

 

                                                                                                           Kim Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây