Tây Ninh: Sản xuất trồng trọt sau 02 năm thực hiện tái cơ cấu đã có chuyển biến

Thứ năm - 19/11/2015 16:00 69 0
Nhằm phát huy lợi thế tốt nhất so với vùng, địa phương với nhu cầu thị trường và khả năng cạnh tranh trong nước, quốc tế, tỉnh Tây Ninh đã rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực (mía, mì, cao su, rau các loại); xác định quy mô sản xuất từng loại cây. Trong 02 năm (2014, 2015), Tỉnh đã tập trung định hướng, xây dựng một số mô hình, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến và đã đạt được kết quả cơ bản.

​Tỉnh đã tập trung thâm canh, chuyển đổi giống cây mía góp phần tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất. Ước năm 2015, bình quân năng suất (BQNS) cây mía đạt 76 tấn/ha, tăng 2,3% so với năm 2013 (74,3 tấn/ha), song diện tích mía giảm 9.445 ha (từ 22.335 ha năm 2013 xuống còn 12.890 ha ước năm 2015) do không có lợi thế cạnh tranh cây trồng ở một số vùng so với cây trồng khác.

Có lợi thế mạnh về đất đai, công nghiệp chế biến, nhất là ứng dụng giống mới nên năng suất, hiệu quả cao do vậy diện tích, năng suất cây mì liên tục tăng, ước năm 2015 NSBQ đạt 32,5 tấn/ha, tăng 3 tấn/ha, tăng 10,2% so với năm 2013 (29,5 tấn/ha), đến nay diện tích cây mì đạt 54.013 ha, tăng 8.355 ha so với năm 2013, đây là sản phẩm chủ lực của cả nước.

Tỉnh đã tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo quy hoạch, quy trình kỹ thuật canh tác, tuy nhiên do tác động của giá mủ cao su thấp nên diện tích giảm 4.082 ha (từ 98.170 ha xuống còn 94.088 ha), NSBQ tiếp tục được duy trì từ 2,1 tấn/ha trở lên. Tỉnh đang tập trung rà soát quy hoạch để chuyển dịch giảm dần diện tích, năng suất, hiệu quả thấp sang các cây trồng khác.

Cây lúa có xu hướng chuyển dần diện tích lúa năng suất thấp sang trồng các cây rau màu, sử dụng giống mới, giống đạt tiêu chuẩn, NSBQ ước đạt 5,3 tấn/ha/vụ, tăng 0,2 tấn/ha/vụ, 5,2% so với năm 2013 (5,1 tấn/ha/vụ); triển khai thực hiện đề án Xây dựng mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (nhân gần 337 ha giống phục vụ sản xuất); tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng lớn trên lúa với diện tích khoảng 7.000 ha/năm, NSBQ 6,32 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, do chưa có doanh nghiệp tham gia bao tiêu nên sản phẩm rất khó tiêu thụ (chủ yếu phụ thuộc vào thương lái).

 Rau các loại phát triển ổn định, diện tích đạt 19.486 ha, bằng 93,2% so với năm 2013, năng suất 17,2 tấn/ha, tăng 15,2% so với năm 2013. Diện tích gieo trồng chuyên canh các loại rau đến nay đã đạt chứng nhận VietGAP 68,7 ha (trong đó đã được cấp Giấy chứng nhận 41,7 ha, dự kiến cuối năm 2015 có 27 ha sẽ được chứng nhận). Hiện Tỉnh đã giới thiệu 02 Hợp tác xã sản xuất rau an toàn vào trong hệ thống siêu thị Co.opMart nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp ổn định đầu ra mặt hàng rau (Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Long Mỹ; Tổ Hợp tác Hưng Việt).

Diện tích cây bắp là 5.070 ha, năng suất 6 tấn/ha, tăng 14% so với năm 2013. Diện tích Mãng cầu đạt 4.225 ha, năng suất 15 tấn/ha, tăng 10,6% so với năm 2013.

Ngoài ra, diện tích hoa lan, cây cảnh nông nghiệp công nghệ cao cũng đã phát triển trên 100 ha tập trung ở huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành, thành phố Tây Ninh mang lại hiệu quả kinh tế cao; bình quân suất đầu tư 02 tỷ đồng/ha và thu lợi nhuận 0,5 - 01 tỷ đồng/ha/năm.

Nhìn chung, sản xuất trồng trọt sau 02 năm thực hiện tái cơ cấu đã có chuyển biến bước đầu. GTSX trồng trọt ước 20.330 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2013; năng suất, chất lượng, giá cả một số loại sản phẩm từng bước được nâng lên. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 01 ha đất trồng trọt ước năm 2015 là 85,39 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước 82,5 triệu đồng.

Minh Đài

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây