Do chế độ thủy văn của sông Vàm Cỏ Đông thay đổi theo mùa: mùa mưa nước lớn từ tháng 5 đến tháng 11 (dương lịch) và mùa khô nước kiệt từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, tương ứng với hai mùa mưa nắng. Trong thời gian vừa qua, tình trạng lục bình trên sông phát triển với tốc độc rất nhanh, nhiều đoạn gần như kín mặt sông, gây khó khăn cho việc lưu thông của tàu, thuyền. Mặc dù về phía chính quyền cũng đã cho triển khai rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc phát triển của lục bình, khai thông luồng tàu chạy. Tuy nhiên hiệu quả chưa cao, chưa xử lý được trên diện rộng nên lục bình vẫn tiếp tục phát triển.Vì vậy, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương thực hiện giải pháp tình thế trước mắt trong công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông cần phải áp dụng theo quy luật của dòng chảy nhằm đẩy, đuổi lục bình về phía hạ lưu khai thông luồng tuyến đảm bảo giao thông thủy được thuận lợi.
Tháo dỡ cọc, chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông từ hai bên bờ ra giữa dòng sông, lợi dụng vào mùa mưa nước sẽ đẩy trôi lục bình về phía hạ lưu nhằm làm giảm từ 70% đến 80% lượng lục bình hiện đang có trên sông và nhằm làm thông thoáng luồng tàu chạy. Đồng thời, đuổi lục bình thực hiện phạm vi dọc 02 bên bờ sông theo chiều dài của dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa bàn của 05 huyện như: Châu Thành, Hòa Thành, Bến cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng. Dự kiến thời gian tiến hành cho công việc tháo dỡ chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông bắt đầu từ tháng 7 năm 2015 (đầu mùa mưa).
Để thực hiện có hiệu quả và đồng bộ trên nhiều địa bàn, Ban chỉ đạo xử lý lục bình ban hành Kế hoạch số 1584/KH-XLLB ngày 05/6/2015 tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.
Ban chỉ đạo xử lý lục bình giao UBND các huyện thực hiện và duy trì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không được cắm cọc, chà chắn giữ lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, là nguyên nhân chính làm cho lục bình phát triển gây cản trở luồng tàu chạy và phương tiện thủy qua lại trên sông.
Trên cơ sở kế hoạch này, UBND các huyện có trách nhiệm tổ chức lập kế hoạch chi tiết và dự toán kinh phí giao cho UBND các xã hoặc các lực lượng khác ở địa phương thực hiện công tác tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình, trong đó ưu tiên thuê mướn, hỗ trợ cho những hộ dân tự tháo dỡ cọc, chà nhằm đạt mục đích và yêu cầu đề ra, đồng thời duy trì công tác này theo ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo xử lý lục bình.
UBND các huyện chuẩn bị phương tiện, nhân lực phục vụ cho việc đồng loạt ra quân (thời gian ngày ra quân sẽ có thông báo cụ thể sau, dự kiến trước ngày 15/7/2015). Trong quá trình thực hiện phải đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện tham gia công tác tháo dở cọc chà và đẩy, đuổi lục bình.
Ban chỉ đạo xử lý lục bình tổ chức kiểm tra công tác thực hiện của các huyện theo địa giới hành chính trên tuyến sông nhằm kịp thời đề xuất, chỉ đạo cho các huyện thực hiện tốt công tác tháo dỡ cọc chà và đẩy, đuổi lục bình.
Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các các cơ quan liên quan hướng dẫn nội dung tuyên truyền về công tác xử lý lục bình để các huyện thực hiện.
Tổ Giúp việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo các tiêu chí nghiệm thu thanh toán và có kế hoạch tổ chức phối hợp với UBND các huyện kiểm tra, nghiệm thu công tác tháo dỡ cọc chà; đồng thời tổ chức tổng kết đánh giá kết quả, định kỳ rút kinh nghiệm hàng quý và báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện đến Ban Chỉ đạo để có hướng giải quyết kịp thời.
TĐ