Đại biểu Quốc hội đơn vị Tây Ninh góp ý dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Thứ hai - 08/06/2015 10:00 124 0
Vừa qua, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thống kê (sửa đổi), dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến và Nguyễn Thành Tâm- Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Tây Ninh đã tham gia phát biểu một số vấn đề.

 

ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến.


Các đại biểu Quốc hội thống nhất với báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật Thống kê (sửa đổi), dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), đồng thời cũng có một số ý kiến đóng góp thêm.

Đối với dự án Luật Thống kê (sửa đổi), các đại biểu nhất trí việc sửa đổi là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, tuy nhiên đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung lần này chưa đi vào bản chất, chỉ sửa thuật ngữ…

Đại biểu còn băn khoăn thông tin đầu vào không được chính xác. Theo đại biểu thì Tổng cục trưởng Thống kê phải làm việc độc lập, nhưng lại chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng còn quy định quá chung chung, đề nghị cần quy định cụ thể những người nào được thu thập thông tin vì thời gian qua việc cung cấp thông tin và thu thập thông tin diễn biến phức tạp.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét, quy định rõ việc bảo mật thông tin thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, theo Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28.12.2000 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình thực hiện hoạt động thống kê.

Đối với dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), về thẩm quyền của Hội đồng xét xử, đại biểu đề nghị cần quy định cho Toà án có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật thì mới hợp lý.

Đại biểu đề nghị nên quy định áp dụng thủ tục rút gọn đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền dưới 50 triệu đồng (thay cho dưới mức 10 triệu đồng); cần quy định theo hướng thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật;

Đồng thời cần quy định trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật mà người nộp đơn lệ phí giám đốc thẩm thì Toà án phải thụ lý giải quyết đơn và trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày nhận được đơn, Toà án phải mở phiên xét đơn của đương sự.

Trường hợp xét thấy có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm thì báo cáo người có quyền kháng nghị xem xét, kháng nghị; đối với trường hợp không có căn cứ kháng nghị thì bác đơn đề nghị.

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm.


Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định về thủ tục phúc thẩm lần 2 đối với bản án, quyết định phúc thẩm của Toà án chuyên trách Toà án nhân dân cấp cao theo hướng: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu đương sự có kháng cáo hoặc Viện Kiểm sát có kháng nghị thì bản án, quyết định phúc thẩm lần một chưa được thi hành và trong thời hạn 3 tháng, thẩm phán TAND cấp cao phải xét xử phúc thẩm lần 2 đối với bản án, quyết định phúc thẩm của Toà chuyên trách TAND cấp cao.

Bản án, quyết định phúc thẩm lần 2 có hiệu lực thi hành và chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Theo BTNO


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây