Tây Ninh: Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại công nghiệp, quy mô lớn

Thứ hai - 15/08/2016 12:00 46 0
Thời gian gần đây, đứng trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải từng bước thực hiện việc tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước đưa ngành chăn nuôi dần chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình mới nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi trong chăn nuôi. Qua đó từng bước nâng cao số lượng đàn gia súc, gia cầm. Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến cả về số lượng cũng như chất lượng, giá trị. Việc tái cơ cấu theo đàn vật nuôi được xác định ưu tiên ở các loại sản phẩm chính như: Chăn nuôi gà, heo, bò thịt, bò sữa. Trong 03 năm, sản lượng sản phẩm chăn nuôi phát triển theo hướng: gia cầm tăng 14,28 % (từ 4,9 triệu con lên 5,6 triệu con), từ 211 triệu quả trứng tăng lên 283 triệu quả trứng, tăng tỷ trọng thịt gia cầm từ 23,54 % tăng lên 32,55 %; heo thịt tăng 16,73 % (từ 168.014 con lên 196.132 con) của các trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; bò sữa tăng 71,05 % (từ 2.664 con lên 4.557 con, tăng sữa tươi từ 8.883 tấn tăng lên 15.170 tấn); riêng sản lượng thịt trâu bò giảm 1,37 % so với năm 2013 (2015: 9.097 tấn, 2013: 9.223 tấn).

Chăn nuôi định hướng chuyển dần phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ sang phát triển trang trại công nghiệp, quy mô lớn, khép kín, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường, chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ tiếp tục giảm.

Đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 103 trang trại heo, tăng 26 trại so với năm 2013 (77 trại); số heo nuôi trang trại 89.202 con, tăng 14,95%; Hiện có 39 hộ (doanh nghiệp) nuôi heo tập trung, khép kín, đa phần nuôi trong trại lạnh và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần (CP) nên an tâm về giá bán sản phẩm, các trại này được sản xuất theo mô hình của Công ty CP (xây dựng chuồng trại, sử dụng thức ăn, thuốc thú y do Công ty CP cung cấp...). Việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi heo trang trại đã có những bước tiến rõ rệt làm tăng năng suất, chất lượng thịt (tỷ lệ nạc) đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Chăn nuôi heo mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi và giải quyết việc làm tại chỗ cho khu vực nông thôn.

Trang trại gà công nghiệp có 52 trang trại với 2.507.403 con, tăng 21 trại so với năm 2013 (31 trại), tăng 35,73% so với năm 2013 (1.847.283 con). Chăn nuôi gia cầm đã áp dụng nhiều công nghệ mới trong thiết kế, xây dựng chuồng nuôi, xử lý chất thải bảo vệ môi trường, ứng dụng các tiến bộ về giống, thức ăn để tăng năng suất, chất lượng đàn gia cầm. Đã xuất hiện một số tập đoàn và công ty lớn về chăn nuôi gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp hàng hóa. Đã có một số giống gia cầm có năng suất cao so với thế giới; một số hộ đã bước đầu chăn nuôi theo phương thức công nghiệp chuồng lạnh, khép kín và có ký hợp đồng với doanh nghiệp nên được đảm bảo về giá bán sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Từ năm 2013 đến nay, chăn nuôi trâu bò đã dần phát triển theo hướng trang trại; đến cuối năm 2015 có 12 trang trại nuôi trâu với 777 con; 62 trang trại nuôi bò với 3.172 con, trong đó có 57 trang trại nuôi bò sữa với 2.487 con, với tổng sản lượng sữa tươi 15.170 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Trảng Bàng với 169 hộ/trang trại nuôi từ 5 - 80 con/trại.

Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 30 trang trại chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh (06 trang trại heo thịt với 26.100 con; 23 trang trại gà thịt với 1.913.900 con và 01 trang trại nuôi vịt với 10.000 con); 10 trang trại chăn nuôi heo thịt đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAHP với quy mô gần 50.000 heo thịt/năm. Ngoài ra có 10 trang trại đang triển khai sản xuất chăn nuôi heo thịt theo hướng an toàn sinh học để được cấp Giấy chứng nhận VietGAHP.

Đối với hệ thống giết mổ, các cơ sở giết mổ đã được UBND các huyện, thành phố quy hoạch cụ thể và từng bước di dời các cơ sở nằm trong khu dân cư, không bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường; các điểm mổ nhỏ lẻ giảm dần từ 75 điểm (năm 2013) xuống còn 58 điểm (năm 2015). Một số cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại, quy mô lớn đang được triển khai thực hiện tại một số huyện, thành phố trong tỉnh.

Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền vận động các cơ sở chăn nuôi tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; môi trường chăn nuôi được quan tâm xử lý, thường xuyên giám sát quản lý dư lượng các chất độc hại trong chăn nuôi, khuyến cáo không sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng theo quy định bước đầu chấn chỉnh quy trình vận chuyển heo sau giết mổ ở các thị trấn và thành phố Tây Ninh đảm bảo vệ sinh thú y. Đến nay đã phát hiện, xử lý nghiêm 06 vụ bơm nước vào gia súc và 10 cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng cường công tác quản lý; dự án Chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam Vinamilk (huyện Bến Cầu) đã nhập 348 con bò sữa đầu tiên, dự kiến đến cuối năm nhập thêm 3.000 con, tiến độ thi công chuồng trại và đồng cỏ đang được công ty tập trung thực hiện.

Qua thực hiện tái cơ cấu, chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2015 thực hiện 3.096 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2013 (2.553 tỷ đồng). Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 12,34%. Sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm tiêu dùng, thị trường.

Thời gian tới, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại công nghiệp, quy mô lớn, khép kín, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, quy mô đàn heo là 300.000 con (trong đó heo nái: 50.000 con) và đến năm 2030 đạt 350.000 con (trong đó heo nái: 68.000 con). Đây là vật nuôi còn tiềm năng phát triển rất lớn ở tỉnh Tây Ninh do diện tích đất còn nhiều, một số trang trại chăn nuôi ở TP. HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai,… có quá trình đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp diễn ra mạnh mẽ nên không còn đất cho chăn nuôi; đồng thời giá thức ăn chăn nuôi đang có xu thế giảm ngay khi hiệp định TPP có hiệu lực (năm 2018) thuế nhập khẩu thức ăn gia súc sẽ bằng 0%. Mặt khác, một số công ty của Thái Lan, Indonesia,... cũng đang có hướng đầu tư xây dựng những trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở Tây Ninh.

Về chăn nuôi bò, trong giai đoạn 2016 – 2020 cần phát triển mạnh chăn nuôi bò (tốc độ tăng 2016 – 2020 là 6,8 – 7,0%/năm) vì nguồn cung thịt bò thấp hơn cầu, nhất là cung cấp cho thị trường TP. HCM. Để đạt được mục tiêu này cần khuyến khích chăn nuôi bò trang trại quy mô lớn, có cơ chế chính sách dành quỹ đất trồng trọt kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ Sorghum, Pearl Millet (còn gọi là cây cao lương và kê lai), cỏ Common Signal, cỏ voi, bắp,… xây dựng cánh đồng trồng cỏ tập trung, cho vay lãi suất thấp để mua thiết bị cơ giới trồng, thu hoạch và chế biến cỏ, tạo ra nguồn thức ăn sạch, giá trị dinh dưỡng chất lượng cao cho đàn bò. Phấn đấu, đến năm 2020, quy mô đàn bỏ là 120.000 con và đến năm 2030 đạt 160.000 con. Trong đó, quy mô đàn bò sữa đến năm 2020 là 10.000 con và đến năm 2030 đạt 15.000 con. Trong giai đoạn 2016 – 2020 khi dự án nuôi bò sữa của Công ty CP giống thực phẩm sữa Minh Đăng (quy mô 1.500 bò sữa, 500 bò thịt, nhà máy chế biến sữa), Dự án Trang trại bò sữa của Công ty CP VINAMILK (8.000 bò sữa và nhà máy chế biến sữa, cam kết của VINAMILK trong tháng 12/2015- quý 1/2016 sẽ nhập 1.300 bò tơ), Công ty CP giống thực phẩm sữa Minh Đăng cam kết đầu năm 2016 sẽ lắp đặt nhà máy chế biến sữa và Dự án của Công ty TNHH MTV Thành Đạt với quy mô 500 bò sữa triển khai xây dựng. Các dự án trên khi triển khai thực hiện sẽ góp phần lớn vào việc phát triển đàn bò sữa tỉnh Tây Ninh.

Về chăn nuôi gà, trong giai đoạn 2016 - 2020 tái cơ cấu đàn gà theo hướng phát triển đàn gà lông màu, thả vườn; sản lượng thịt gà lông màu chiếm tỷ trọng 60 – 65% vào năm 2020; duy trì ổn định (hoặc giảm nhẹ) cơ cấu đàn gà lông trắng công nghiệp. Đặc biệt nâng tỷ lệ đàn gà đẻ trong tổng đàn (34 – 35%). Dự kiến quy mô đàn gà đến năm 2020 là 5,7 triệu con (trong đó gà đẻ: 2,1 triệu con) và đến năm 2030 đạt 6,0 triệu con (trong đó gà đẻ: 2,7 triệu con).

Về chăn nuôi vịt, trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn tiếp tục tăng đàn, nhất là  tăng tỷ lệ đàn vịt đẻ (30 – 32%); song cần chú ý phải chăn nuôi theo phương thức trang trại và gia trại (80%), hạn chế nuôi vịt chạy đồng. Quy mô đàn vịt đến năm 2020 là 900.000 con (trong đó gà đẻ: 281.000 con) và đến năm 2030 đạt 1,2 triệu con (trong đó gà đẻ: 515.000 con).

Minh Đài

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây