Tây Ninh: Thêm 10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới

Thứ hai - 21/03/2016 09:00 66 0
Sáng 18.3, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh chủ trì cuộc họp xem xét kết quả thẩm định 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Quang cảnh cuộc họp.

Ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, qua thẩm định 19 tiêu chí theo quy định, đến nay toàn tỉnh đã có thêm 10 xã là: Long Khánh, Long Phước (huyện Bến Cầu); An Hòa (huyện Trảng Bàng); Tân Lập (huyện Tân Biên); Long Thành Bắc (huyện Hòa Thành); Phước Đông (huyện Gò Dầu); Chà là (huyện Dương Minh Châu); Thạnh Đông (huyện Tân Châu); An Bình, Thanh Điền (huyện Châu Thành) đã cơ bản đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch năm 2015.

Như vậy, tính đến giữa tháng 3.2016 toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (6 xã đã được công nhận năm 2014), đạt tỷ lệ 20% so với tổng số xã trong tỉnh.

Theo Thường trực Ban chỉ đạo, có được kết quả như trên là do có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố, các sở, ngành tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho nông thôn mới.

Theo đó, giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh đã huy động cho 10 xã kể trên với số vốn gần 1.800 tỷ đồng (bình quân gần 180 tỷ đồng/xã); trong đó vốn ngân sách, đầu tư gần 1.300 tỷ đồng (chiếm 71,23%), vốn tín dụng gần 300 triệu đồng (chiếm 16,38%), doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác đóng góp gần 121,5 triệu đồng (chiếm 6,82%), nhân dân đóng góp (bằng tiền, hiến đất, ngày công, hoa màu quy thành tiền) gần 99,5 triệu đồng (chiếm 5,58%) cho xây dựng nông thôn mới.

Làm đường nông thôn ở xã Long Khánh, huyện Bến Cầu- Ảnh minh hoạ

Theo ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo tại cuộc họp, tuy 10 xã kể trên đều đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới được thẩm định, nhưng còn một số tiêu chí chưa vững chắc như: Giao thông, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường nông thôn, về thu nhập bình quân đầu người chưa ổn định…; vốn ngân sách nhà nước bỏ ra còn quá lớn (chiếm trên 70%) so với quy định là chỉ 40%; trong khi tỷ lệ vốn huy động trong dân đóng góp cho xây dựng nông thôn mới chỉ đạt trên 5% là quá thấp.

Các thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh cũng đề nghị cần rà soát các huyện, thành phố trong quá trình đầu tư xây dựng nông thôn mới (bằng vốn đối ứng) có nợ tiền xây dựng cơ bản hay không, để tỉnh kịp thời chấn chỉnh, tránh tình trạng nợ nần chồng chất, làm mất ý nghĩa tốt đẹp của phong trào xây dựng nông thôn mới.

Theo Ban chỉ đạo, không cần thiết phải xây dựng mỗi ấp có một nhà văn hóa, để tránh việc sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng thống nhất cao với báo cáo thẩm định công nhận thêm 10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; đồng thời đề nghị các sở, ngành và các huyện, thành phố cũng như các xã cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cao tỷ lệ để giữ vững lâu dài các tiêu chí đã đạt được, nhất là tiêu chí về bảo hiểm y tế, thu nhập bình quân đầu người; cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức người dân, các tổ chức kinh tế… trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới, để giảm tỷ lệ đầu tư của ngân sách nhà nước xuống theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Giao thông vận tải tiến hành rà soát các danh mục, tuyến đường chính, đường liên xã… để nghiên cứu đầu tư, mở rộng các tuyến đường này lên 5,5 mét (tỉnh sẽ hỗ trợ vốn theo tỷ lệ), không nhất thiết là 3,5 mét theo tiêu chí (đường giao thông nông thôn), để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dân trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây