Tây Ninh xây dựng thành công cơ sở dữ liệu dân cư

Thứ bảy - 06/08/2016 10:00 56 0
Đến nay, Tây Ninh đã xây dựng thành công dữ liệu dân cư toàn tỉnh- từ phân tích, lập trình đến việc thu thập thông tin, câp nhật thông tin và đang phát huy giá trị phục vụ của dữ liệu.

Những người trẻ Tây Ninh hôm nay.

Với dân số đã vượt qua con số 1,1 triệu người, trong thời kỳ tăng tốc phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặt ra vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư tỉnh Tây Ninh để đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, quản lý kinh tế, quản lý dân cư...…

Luật Công nghệ thông tin được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29.6.2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2006. Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Công nghệ thông tin, Tây Ninh đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Một trong số đó là việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu dân cư.

Theo quy định của Luật Cư trú và Luật Căn cước công dân, “Dân cư” được hiểu gồm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất là người đăng ký thường trú tại Tây Ninh, được cấp giấy CMND mã số tỉnh Tây Ninh; bộ phận thứ hai là người nơi khác đến địa phương tạm trú và đăng ký tạm trú tại Tây Ninh.

Với quy định trên, từ năm 2006, tỉnh ta đã bắt đầu thu thập dữ liệu dân cư. Đến nay, Tây Ninh đã xây dựng thành công dữ liệu dân cư toàn tỉnh- từ phân tích, lập trình đến việc thu thập thông tin, câp nhật thông tin và đang phát huy giá trị phục vụ của dữ liệu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn– Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh thực hiện được cơ sở dữ liệu dân cư là nhờ biện pháp tự lực, huy động cán bộ chiến sĩ thu thập từ các nguồn cập nhật vào. Với cơ sở dữ liệu này, có thể lập ngay danh sách từng dân tộc, tôn giáo, theo từng độ tuổi, từng địa bàn, tuỳ theo sự lựa chọn và rất linh hoạt. Qua hai lần bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào năm 2011 và 2016, dữ liệu dân cư đã cung cấp danh sách thường trú để từ đó UBND cấp xã tổ chức rà soát, lập danh sách cử tri và in thẻ cử tri.

Theo ông Tuấn, dữ liệu dân cư phải được xây dựng trước, để khi các ngành xây dựng dữ liệu chuyên ngành của mình thì tích hợp và liên kết bằng cách lấy dữ liệu dân cư rồi cập nhật thêm thông tin. Hiện nay, Công an Tây Ninh đã tích hợp được các dữ liệu như: dữ liệu căn cước công dân (có luôn tờ khai chứng minh nhân dân kèm theo ảnh của công dân); dữ liệu tổ tự quản; dữ liệu tù tha với người có tiền án; dữ liệu xử phạt hành chính về an ninh trật tự; dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông; dữ liệu khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra; dữ liệu đăng ký xe; dữ liệu người nghiện ma tuý.

Với kết quả của việc tích hợp dữ liệu chuyên ngành vừa nêu, đã tạo ra được một số kết quả bất ngờ nhờ khai thác được thông tin chính xác và nhanh chóng; cảnh sát tuần tra và cảnh sát điều tra có thể tra cứu thông tin tức khắc các đối tượng để ứng xử kịp thời; chuyển đổi dần tác phong làm việc thủ công của cán bộ- chiến sĩ cấp xã sang công nghệ thông tin.

Trong thời gian qua, thành phố Tây Ninh đã phối hợp cùng Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và Công an tỉnh xây dựng tích hợp dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư trong việc thực hiện các thủ tục như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn và khai tử. Cụ thể, đối với đăng ký kết hôn, cán bộ tư pháp cấp phường- xã chỉ cần vào dữ liệu dân cư qua máy chủ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của Sở TT-TT là có thể xác định; đối với việc đăng ký khai sinh cho con, hệ thống sẽ cho biết thông tin cha và mẹ để cán bộ tư pháp kiểm tra, sau đó cập nhật thông tin người con và cha mẹ trong dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư. Ngoài ra, dữ liệu sẽ cung cấp cho cơ quan bảo hiểm y tế danh sách trẻ dưới 6 tuổi để thực hiện bảo hiểm y tế và cung cấp cho ngành Giáo dục danh sách trẻ em 6 tuổi để huy động ra lớp 1. Đối với việc khai tử, cán bộ tư pháp cấp phường-xã chỉ cần chọn tên người chết trong dữ liệu dân cư, đánh máy ngày chết và thông tin người nhà đến khai báo, phần mềm sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư...

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá dữ liệu dân cư là một trong những phần mềm quan trọng trong ứng dụng, nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin, nhằm phục vụ không chỉ cho cấp quản lý Nhà nước mà còn cho đời sống xã hội, góp phần rất lớn vào cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh… Không những vậy, phần mềm tích hợp dữ liệu dân cư này còn là cơ sở gốc cho nhiều lĩnh vực khác khai thác như hoạch định KT-XH, tư pháp, an sinh xã hội, kể cả hoạt động của các doanh nghiệp...

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn- Phó Giám đốc Công an tỉnh (phải) đoạt Giải thưởng CIO-CSO Đông Nam Á 2015 về thành tích lãnh đạo xây dựng dữ liệu dân cư tỉnh Tây Ninh.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng nhìn nhận rằng việc ứng dụng CNTT trong thời gian qua ở tỉnh ta còn những mặt hạn chế, còn không ít các ngành, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai ứng dụng CNTT; một số nơi tuy có triển khai nhưng chưa mang lại hiệu quả, thiếu sự kết nối, tích hợp vào hệ thống chung, nhất là các hệ thống mạng trực tuyến công.

Nhằm khắc phục những điểm còn hạn chế của việc tích hợp dữ liệu, vừa qua, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các ngành khi ứng dụng phần mềm quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu phải thông qua Sở TT-TT để hướng dẫn tích hợp với dữ liệu dân cư. Việc làm này nhằm hoàn hiện khung kiến trúc chính quyền điện tử để làm nền tảng cho sự phát triển công nghệ thông tin một cách đồng bộ ở địa phương, không để các cơ sở dữ liệu tách rời, làm hạn chế giá trị sử dụng.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây