Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống dịch bệnh Ebola. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tính đến ngày 16/10, thế giới đã ghi nhận 9.066 trường hợp mắc Ebola, trong đó 4.542 người đã tử vong. Đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm virus Ebola ngoài khu vực các nước Tây Phi như Mỹ và Tây Ban Nha.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy virus Ebola chưa có biến đổi gene, độc lực cũng như phương thức lây truyền, tuy nhiên, khả năng lây nhiễm cao hơn so với dự đoán ban đầu. Do vậy, cần nâng cao mức độ cảnh giác trong phòng chống lây nhiễm virus này.
Hiện nay, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1392/CĐ-TTg ngày 9/8/2014.
Cụ thể, tại các cửa khẩu, ngành Y tế thực hiện việc sàng lọc thân nhiệt đối với hành khách nhập cảnh, tiến hành cách ly, điều trị kịp thời những trường hợp có thân nhiệt cao bất thường; áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế; giám sát tại cộng đồng đối với những trường hợp nhập cảnh từ các nước có dịch bệnh Ebola…
“Bên cạnh khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế đánh giá hoàn toàn có khả năng xuất hiện bệnh nhân nhiễm Ebola tại Việt Nam. Do đó, ngoài những biện pháp thực hiện theo tình huống 1 (chưa có ca bệnh), ngành Y tế cũng đã có một số hoạt động chuẩn bị theo tình huống 2 (có ca bệnh) như: Tăng cường giám sát, phối hợp với Bộ Công an theo dõi, có biện pháp liên lạc với những hành khách đến từ các nước có dịch bệnh Ebola khi chưa qua 21 ngày, yêu cầu khai báo định kỳ về sức khỏe cho cơ quan y tế; triển khai tập huấn phác đồ chẩn đoán, phòng và điều trị Ebola ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam cho cán bộ y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Bộ Y tế đã phối hợp với WHO tiến hành thẩm định 4 phòng xét nghiệm virus Ebola; xây dựng các khu cách ly điều trị bệnh nhân Ebola tại TPHCM và Hà Nội. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola.
Các bộ ngành khác như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ LĐTB&XH và từng địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, công việc trong phạm vi quản lý: Thành lập Ban chỉ đạo; có văn bản chỉ đạo cụ thể các đơn vị trực thuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện các biện pháp ngăn ngừa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hết sức chủ động xử lý khi phát hiện ca bệnh Ebola tại Việt Nam.
Cùng với các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Ebola tại cửa khẩu, Bộ Công an và Bộ Y tế phối hợp giám sát đầy đủ những trường hợp nhập cảnh từ các nước có dịch Ebola với những yêu cầu cụ thể và thông tin định kỳ; liên hệ chặt chẽ với cơ sở lưu trú.
Bộ Ngoại giao chủ động trao đổi với các quốc gia có dịch bệnh Ebola, phối hợp với Bộ Y tế có biện pháp bảo vệ sức khỏe người Việt Nam đang học tập, lao động, công tác tại vùng có dịch bệnh lưu hành. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin kịp thời, đầy đủ về diễn biến tình hình dịch bệnh Ebola để người dân hiểu, chủ động phòng chống theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo chinhphu.vn