Ngày 25/4/1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên phạm vi toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hoà XHCN Việt Nam (từ 02/7/1976). Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Thành phố Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên CNXH, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới. Từ đó đến nay, nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, được quán triệt trong nhiệm vụ xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân. Quốc hội có những bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường và lắng nghe ý kiến cử tri. Nâng cao sức chiến đấu, vai trò, vị trí của Đảng cầm quyền, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức được tăng cường. Chính phủ có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động, trong thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố, phân định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn, đảm nhiệm ngày càng toàn diện hơn việc lãnh đạo, quản lý sự phát triển đất nước.
Kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng, văn hoá - xã hội có bước tiến bộ rõ nét. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đất nước ta không những đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng hoá trên thị trường dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi. Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, mở rộng hơn trước về quy mô, hình thức, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Mức tăng trưởng GDP bình quân 6-7%/năm, đặc biệt giai đoạn 1990-2000 đạt 7,5%; giai đoạn 2001-2005 đạt 7,51%, riêng năm 2006 là 8,23% và năm 2007 là 8,48%. Năm 2008, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, GDP chỉ đạt 6,23%. Trong các năm từ 2009 đến 2014 tăng trưởng GDP lần lượt là 5,32%; 6,78%; 5,89%; 5,03%; 5,4%; 5,98%. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Quan hệ sản xuất ngày càng phù hợp hơn, tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất. Các loại thị trường từng bước được hình thành và phát triển, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008 chúng ta đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 đô la, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đến năm 2014 thu nhập bình quân đầu người đã đạt xấp xỉ 2.000 đô la. Tỷ lệ các hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 8% năm 2014. Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Vấn đề tạo điều kiện ưu đãi về tín dụng, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho đối tượng chính sách được quan tâm. Công tác giải quyết việc làm và xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hoá về loại hình trường lớp; khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển nhất định; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ; những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hoá với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hoá- nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng.
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực an ninh, quốc phòng ngày càng lớn mạnh. 40 năm qua, chúng ta đã bảo vệ được thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ hiểu biết về quốc phòng, an ninh và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển tiềm lực quốc phòng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Chúng ta đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO...; đang đàm phán tham gia TPP; chuẩn bị ký kết các hiệp ước của EU; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hoà bình khu vực và thế giới.
P.BCXB