Tham gia BHYT: Giảm trong 3 nhóm đối tượng HS-SV, người nghèo và cận nghèo

Thứ năm - 19/09/2013 00:00 121 0
Hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT có tăng hơn trước, chiếm 49,61% dân số - tương đương với 536.155 người.

 

 

Theo BHXH Tây Ninh, năm 2010 toàn tỉnh Tây Ninh có 394.472 người tham gia Bảo hiểm Y tế, chiếm 36,68% dân số. Đến nay tỷ lệ người tham gia BHYT có tăng hơn trước, chiếm 49,61% dân số - tương đương với 536.155 người. Nhưng trong 8 tháng đầu năm 2013, có 3 nhóm đối tượng tham gia BHYT giảm là học sinh – sinh viên, người nghèo và cận nghèo.

Nếu như đầu năm 2013, số học sinh – sinh viên tham gia BHYT là 103.367 người, hiện tại 98.909 người – giảm 4.262 người. Đầu năm 2013, số người nghèo tham gia BHYT là 36.593 người, hiện tại 22.375 người – giảm 14.218 người; cận nghèo 33.003 người, hiện còn 18.929 – giảm 14.074 người.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại cuộc họp.

Năm 2013, ước tính toàn tỉnh có 50% dân số tham gia BHYT. Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2015 Tây Ninh có khoảng 75% dân số tham gia.

Mới đây, tại cuộc họp bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành liên quan cũng như ngành BHXH phải làm tốt hơn nữa khâu thông tin, tuyên truyền, vì thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ dân chúng chưa nắm bắt được đầy đủ ý nghĩa của việc tham gia BHYT.

 Theo BHXH Tây Ninh, qua kết quả khảo sát đầu năm 2013 của ngành LĐ-TB&XH, số người nghèo và cận nghèo thoát nghèo là 27.900 người. Số này tham gia BHYT trở lại rất ít. Một số HS-SV không tiếp tục tham gia BHYT và số khác không còn thuộc diện tham gia theo nhóm đối tượng này.

Trong khi đó, ngành Y tế nhận định, một số nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng không thực hiện nghiệm chính sách pháp luật về BHYT. Đồng thời, do thiếu sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành về phương pháp cũng như sự phối hợp trong tổ chức thực thi Luật BHYT nên dẫn đến hạn chế trong việc mở rộng đối tượng đối với một số nhóm.

Cụ thể, đối với người lao động trong các doanh nghiệp, các doanh nghiệp – chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân - không đóng, trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT cho người lao động. Nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng lao động về chính sách BHYT chưa đầy đủ, trách nhiệm thực thi pháp luật chưa nghiêm. Người lao động còn thiếu thông tin về quyền lợi BHYT hoặc ít hiểu biết về chính sách BHYT nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi hoặc không muốn tham gia sợ ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm cho bản thân. Tổ chức Công đoàn ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Đối với HS-SV, sự phối hợp giữa ngành GD-ĐT và BHXH tỉnh trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về BHYT chưa thật sự chặt chẽ, nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, HS-SV cũng đang tham gia nhiều loại bảo hiểm thương mại khác nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT.

Số người tự nguyện tham gia BHYT còn thấp, đa số người tham gia là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị cao. Tại một số địa phương, chính quyền các cấp chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền về lợi ích khi tham gia BHYT.

Chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là các trạm y tế xã (phường, thị trấn) và một số bệnh viện huyện do điều kiện về nhân lực, đặc biệt là lực lượng bác sĩ ở tuyến cơ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị… Tổ chức các đại lý bán thẻ BHYT ở cơ sở chưa đều, hình thức mua thiếu linh hoạt, hiện chỉ bán BHYT 6 tháng, 12 tháng, BHYT 3 tháng, 9 tháng chưa thực hiện.

Thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, quy trình chuyển tuyến, tái khám với bệnh mãn tính còn phiền hà nên đã làm giảm ý nghĩa và giá trị khi tham gia BHYT. Đây cũng là nguyên nhân làm cho người dân không muốn tham gia. Với nhiều người, BHYT chỉ thật sự có giá trị khi mắc bệnh nặng hoặc phải vào bệnh viện điều trị nội trú…

Với nhiều người, BHYT chỉ thật sự có giá trị khi mắc bệnh nặng hoặc phải vào bệnh viện điều trị nội trú (ảnh minh hoạ)

 Về giải pháp tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, trong dự thảo Báo cáo gởi UBND tỉnh, BHXH Tây Ninh cho rằng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thực hiện BHYT học sinh – sinh viên; thành lập tổ công tác liên ngành thu hồi nợ BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp.

Sở Y tế cũng đã đề ra những giải pháp tương tự, nhưng nhấn mạnh đến việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo thuận lợi, giảm phiền hà cho người tham gia BHYT. Ứng dụng tốt các phầm mềm nghiệp vụ, xây dựng phầm mềm thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT với cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT giữa cơ quan BHXH với các cơ sở khám, chữa bệnh…

Củng cố, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, đáp ứng nhu cầu của nhân dân nói chung và người có thẻ BHYT từ trạm y tế xã (phường, thị trấn) đến bệnh viện tỉnh. Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, lấy tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện làm cơ sở kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Nâng cao chất lượng điều trị, giảm ngày điều trị một cách hợp lý, chống lạm dụng trong chỉ định sử dụng dịch vụ y tế và thuốc cho người bệnh.

Nâng cao tinh thần, thái độ, y đức để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh. Kiên quyết xử lý những trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà cho người bệnh để tiêu cực, vụ lợi cá nhân…

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây