Nhiều địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm trong kinh doanh vận tải |
Trước đó vào ngày 15/7 bảy Thứ trưởng đã đi “vi hành” 21 tỉnh. Sau đó Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ phê bình, nhắc nhở 18/21 tỉnh và thành phố có nhiều yếu kém, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm.
Cụ thể, TP.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu danh sách bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ phê bình trong việc buông lỏng công tác quản lý và cấp phép; thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị vận tải container.
Cùng với đó là phê bình các tỉnh An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hòa, Lạng Sơn do chưa thực hiện tốt công tác quản lý về vận tải, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép.
Kiến nghị nhắc nhở các tỉnh, thành phố Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ cần tập trung chấn chỉnh, quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Theo Bộ GTVT, qua kiểm tra cho thấy lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thống nhất nhận thức cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, rất nhiều tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý vận tải ở các địa phương cần phải nghiêm túc, chấn chỉnh.
Cụ thể, mặc dù các địa phương ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, song Bộ GTVT cho biết công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, công tác quản lý nhà nước về vận tải còn coi nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức, có một số địa phương còn buông lỏng quản lý.
Công tác thanh tra tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và xử lý vi phạm hành chính chưa cương quyết, một số địa phương chưa tiến hành thanh tra đối với đơn vị kinh doanh vận tải hoặc thanh tra nhưng kết luận và xử lý vi phạm chưa có tính răn đe, chấn chỉnh.
Công tác hậu kiểm sau khi cấp phép chưa được chú trọng thực hiện, đặc biệt là đối với các Hợp tác xã kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải hàng hóa bằng container.
“Phần lớn các đơn vị vận tải chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông, trong đó nhiều Hợp tác xã vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có bộ phận theo dõi những không hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Nhiều Hợp tác xã chỉ đứng ra thực hiện các thủ tục pháp lý cho xe được phép hoạt động, như: xin cấp giấy phép kinh doanh, cấp phù hiệu, chấp thuận khai thác tuyến còn việc quản lý và điều hành xe để kinh doanh vận tải do các cá nhân (lái xe, chủ xe) thực hiện, các cá nhân này tự chịu trách nhiệm kết quả kinh doanh.” - Bộ GTVT cho hay.
Thành Hưng (Theo baodatviet.vn)