Thiết thực học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác phụ nữ

Thứ hai - 20/10/2014 00:00 227 0
Phụ nữ Tây Ninh nói riêng, phụ nữ Việt Nam tôn kính Bác Hồ như thế bởi một lẽ rất giản đơn, trong tất cả các nhà yêu nước dũng cảm đấu tranh đánh đuổi thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định con đường giải phóng đất nước đồng thời với giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ. Và ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946, Bác đã đề nghị Quốc hội đưa vào đó quyền bình đẳng nam nữ để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.

 

Một tiết mục biểu diễn trong Hội thi Chi hội trưởng Phụ nữ giỏi vòng tỉnh năm 2014. Ảnh: Châu Pha.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận TQVN tỉnh Tây Ninh tổ chức sưu tầm, soạn thảo và xuất bản tập sách “Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ”. Trong đó có khá nhiều mẩu chuyện cảm động về tấm lòng của phụ nữ Tây Ninh hướng về Bác. Chẳng hạn như chuyện bà Tư Dung, tức Võ Thị Thu Hà, phụ nữ huyện Gò Dầu đấu tranh trực diện với kẻ địch ở Sài Gòn bị địch bắt tra tấn rất dã man.

Khi thoát khỏi nhà tù của địch, được đưa về tỉnh, rồi lên Trung ương Cục, ra miền Bắc, sang tận Trung Quốc điều trị bệnh tình, bà Tư Dung đã được Bác Hồ đến thăm, động viên, chia sẻ đến 4 lần. Hay như chuyện mẹ của bà Tư Nguyệt (Nguyễn Thị Nguyệt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tây Ninh) mười mấy năm thờ… mấy tờ giấy bạc có hình cụ Hồ; chuyện má Tư Tiết ở Phước Vinh vận động 150 người mẹ, người chị gửi thư xin Bác Hồ cho lực lượng bộ đội về cứu giúp miền Nam thoát khỏi vòng kìm kẹp của Mỹ nguỵ.

Cảm động nhất là chuyện các mẹ, các chị ở Thị xã, nay là thành phố Tây Ninh công khai lập bàn thờ ở mỗi nhà, chưng hoa đỏ, hoa vàng để vọng tưởng Bác Hồ khi hay tin Bác đã đi xa…

Phụ nữ Tây Ninh nói riêng, phụ nữ Việt Nam tôn kính Bác Hồ như thế bởi một lẽ rất giản đơn, trong tất cả các nhà yêu nước dũng cảm đấu tranh đánh đuổi thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định con đường giải phóng đất nước đồng thời với giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ. Và ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946, Bác đã đề nghị Quốc hội đưa vào đó quyền bình đẳng nam nữ để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Đây là một hiến định đầu tiên dành cho phụ nữ Việt Nam kể từ khi dựng nước đến nay.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ luôn chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đến chị em phụ nữ bằng những hành động thiết thực như cho đi học tập, vận động tham gia vào các sinh hoạt chính trị, để có thể sánh ngang hàng với nam giới gánh vác công việc quốc gia đại sự. Và trước lúc đi xa, Bác Hồ đã nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến công tác phụ nữ.

Di chúc thiêng liêng của Người ghi rõ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Từ sự tôn kính, lòng cảm phục Bác Hồ, tổ chức chính trị xã hội của giới nữ - Hội LHPN Việt Nam luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ làm kim chỉ nam soi đường cho mọi hoạt động Hội.

Ngày nay, đất nước hoà bình, thống nhất, đang trên đường phát triển, hội nhập, Hội LHPN càng thấy rõ việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là động lực, và cũng là mục tiêu của nhiệm vụ giải phóng phụ nữ. Việc học tập, làm theo Bác không tách rời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước đặt ra cho tổ chức Hội. Mà cụ thể nhất trong những năm gần đây, từ năm 2010 đến nay, là việc Hội LHPN tham gia thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để tham gia thực hiện chương trình này, Hội LHPN đã phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch”.

Với mục tiêu “gia đình 5 không”: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học; và “gia đình 3 sạch”: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ thiết thực tham gia thực hiện 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng quà cho phụ nữ nghèo xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng- ảnh ĐVT.

Trong tỉnh ta, 3 năm qua- nửa nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh 2011-2016, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức thực hiện cuộc vận động “5 không - 3 sạch” bằng nhiều hình thức năng động, sáng tạo, nhiều mô hình phù hợp thực tế cuộc sống của chị em phụ nữ tỉnh nhà, đã đem lại nhiều kết quả đáng phấn khởi, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hằng năm các cấp Hội tổ chức tuyên truyền cho trên 95% hộ gia đình cán bộ, hội viên nắm vững nội dung, tiêu chí xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch.

Qua tuyên truyền hằng năm có trên 80% hộ gia đình đăng ký thực hiện, cuối năm bình xét có trên 70% gia đình đạt 5 không - 3 sạch. Các cấp Hội đã xây dựng được các mô hình như: “Gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội”, “Gia đình không có bạo lực”, “Gia đình không sinh con thứ 3 trở lên”, “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Gia đình không đói nghèo”, “Mái nhà xanh”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Tổ phụ nữ không có trẻ em bỏ học”, “Đô thị sạch đẹp, thành phố văn minh”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “Gia đình không rác”…

Về phía Hội LHPN tỉnh đã chọn 2 xã Long Thành Trung và thị trấn Hoà Thành (huyện Hoà Thành) để làm điểm thực hiện Đề án “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”. Hai địa phương này đã thành lập các nhóm “Người cha tốt của con”, nhóm “Mẹ và con gái” để giúp cho các bậc cha mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con tốt nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em; hạn chế trẻ em vị thành niên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội…

Thực hiện Nghị quyết Trung ương Hội về xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy”, Hội LHPN tỉnh hướng dẫn Hội cơ sở thành lập địa chỉ tin cậy nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, tránh rủi ro về sức khoẻ, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình. Đến nay toàn tỉnh đã có được 45 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với 319 thành viên (đây cũng là 1 tiêu chí bắt buộc đối với 1 cơ sở Hội xuất sắc).

Từ khi có các địa chỉ tin cậy, đã có 24 trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình được tiếp nhận, tư vấn, giải quyết, 3 vụ liên quan đến hôn nhân gia đình được hoà giải thành, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Đặc biệt các cấp Hội còn duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 27 mô hình dịch vụ gia đình với 416 thành viên, bao gồm dịch vụ nấu ăn, giúp việc nhà, nhóm nuôi dạy trẻ, tư vấn giới thiệu việc làm, đưa đón trẻ đi học… các mô hình này đã góp phần nâng cao thu nhập đáng kể cho hàng trăm phụ nữ.

Phụ nữ Tây Ninh với các sản phẩm sản xuất tập thể.

Về vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hằng năm các cấp Hội tiến hành ra soát, khảo sát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có biện pháp giúp đỡ. Trong 3 năm qua, Hội đã hỗ trợ cho 7.900 hộ với số tiền 44 tỷ, 107 triệu đồng, qua đó đã giúp cho 2.902 hộ thoát nghèo. Việc khai thác, quản lý các nguồn vốn được tăng cường, đến tháng 9.2014 tổng dư nợ do Hội quản lý đạt 479 tỷ, 614 triệu đồng, giúp cho 33.773 lượt phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Riêng nguồn vốn uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ 404 tỷ, 828 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thực hiện phong trào “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, các cấp Hội vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm phù hợp như: Tổ góp vốn xoay vòng: Tiết kiệm tại các nhóm chương trình tài chính vi mô, dự án của Hội; Tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Tiết kiệm tại chi, tổ Hội; Nuôi heo đất; Tiết kiệm trong chi tiêu: Tiết kiệm mua bảo hiểm y tế… thu hút được 103.284 hội viên tham gia với số tiền tiết kiệm được 29 tỷ, 455 triệu đồng. Các mô hình này đã phát huy tác dụng từng bước xây dựng ý thức tiết kiệm trong đời sống hằng ngày của mỗi gia đình, tạo nguồn vốn giúp đỡ hội viên nghèo, góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối với các đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề (Đề án 295), đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), các cấp Hội phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho 6,473 lao động nữ, kết quả sau học nghề đã có 4.574 lao động nữ tìm được việc làm.

Về phía tổ chức Hội cũng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 14.633 lao động nữ. Bên cạnh đó các cấp Hội còn xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ học nghề gắn với giải quyết việc làm” với 167 tổ đã được thành lập, thu hút 2.584 thành viên học và làm các nghề may gia công, trồng rau sạch, rau mầm, trồng nấm, làm nhang, đan lát, đóng giường tre, tráng bánh, làm kẹo đậu phọng, muối ớt, nuôi bò, nuôi gia cầm, nuôi cá lóc bông, thêu mành, nấu ăn…

Riêng với các chị em nghèo, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Các cấp Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân xây tặng 215 mái ấm tình thương, tổng trị giá trên 6 tỷ đồng. Không chỉ quan tâm đến phụ nữ nghèo, các nữ doanh nhân, tiểu thương cũng được Hội tạo điều kiện giúp đỡ bằng cách tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức kỹ năng điều hành, văn hoá giao tiếp trong kinh doanh, kể cả hỗ trợ vốn… để giúp chị em hoạt động ngày càng phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó động viên chị em tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Tất nhiên, nhiệm vụ chính trị của Hội LHPN có rất nhiều mặt hoạt động để thực hiện công tác dân vận theo lời dạy của Bác Hồ, theo nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhưng trong đó có thể thấy cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch” là một phong trào toàn diện và hết sức thiết thực, vừa có đầy đủ ý nghĩa của sự nghiệp cách mạng giải phóng phụ nữ, vừa phát huy thiên chức làm vợ, làm mẹ của các bậc “nội tướng” trong gia đình Việt Nam từ xưa đến nay.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây