Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội IX MTTQVN tỉnh Tây Ninh: Một mô hình đáp ứng nguyện vọng người nghèo

Thứ ba - 24/06/2014 00:00 54 0
Để góp phần kéo giảm hộ nghèo, cũng như để hộ nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, thể hiện được tính nhân văn cao đẹp của chế độ ta là làm cho người nghèo, thiếu ăn thì đủ ăn, người đủ ăn tiến tới khá, giàu, người khá giàu thì giàu thêm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào chế độ, vào chính sách chăm lo cho người nghèo của Đảng, Nhà nước ta, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh bàn bạc thông nhất với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng Đề án hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo trong tỉnh vay sản xuất, kinh doanh với lãi suất 0%, với thời gian vay trong vòng 2 năm, sau đó trình xin ý kiến Tỉnh uỷ cho triển khai thực hiện.

Ngay sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và Hộ Nông dân tỉnh tiến hành thành lập Ban điều hành đề án “Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh” gồm 7 thành viên, do đ/c Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh kiêm Phó Ban Vận động Quỹ vì người nghèo tỉnh làm Trưởng ban, Đ/c Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm Phó ban, các thành viên còn lại cơ cấu ở các ban chuyên môn của 2 ngành Mặt trận và Hội Nông dân tỉnh và tổ chức hội nghị triển khai Đề án “Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh” cho các đối tượng là các đồng chí lãnh đạo và cán bộ chuyên môn MTTQ, Hội Nông dân, đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội các huyện, thành phố .Trong hội nghị sau khi nghe triển khai Đề án, các đại biểu còn được hướng dẫn việc lập Dự án sản xuất chăn nuôi, các văn bản phục vụ việc vay vốn.  Sau khi tiếp thu tinh thần triển khai của tỉnh, Mặt trận, Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn cho các xã, trước mắt là mỗi huyện, thành phố chọn một xã điểm nông thôn mới để thực hiện Đề án; hướng dẫn lập Dự án kèm theo phương án sản xuất chăn nuôi của xã; Hướng dẫn tổ chức họp dân ở các Chi hội Nông dân ấp để tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa nội dung, thời gian thực hiện đề án, tổ chức bình xét đối tượng được vay, lập hồ sơ thủ tục vay vốn…

Để đồng vốn vừa phát huy tác dụng, đạt được mục tiêu như Đề án đề ra, vừa phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh là xây dựng thành công các xã điểm xây dựng nông thôn mới, ngay sau khi tiếp nhận dự án vay vốn sản xuất, chăn nuôi của các huyện,  thành phố đề nghị, Ban điều hành Đề án của tỉnh tổ chức thẩm định và hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ dự án, đồng thời tiến hành kiểm tra, khảo  sát thực tế các hộ có tên trong dự án từng huyện, xã, sau đó về họp liên ngành Mặt trận, Nông dân tỉnh để nghe báo cáo kết quả kiểm tra, khảo sát và thống nhất giải ngân cho từng dự án. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, tiến hành kiểm tra, nắm tình hình, hiệu quả sử dụng vốn của từng dự án..

Đến hết tháng 5/2014, sau hơn một năm triển khai thực hiện Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” tỉnh đã giải ngân được 06/9 dự án, có 170 hộ nghèo, cận nghèo được vay, với tổng số tiền là 3,3 tỷ đồng (lãi suất bằng 0%); trong đó có 4 dự án giải ngân đến nay đã trên dưới 1 năm, gồm xã Trường Tây, huyện Hòa Thành 500 triệu có 25 hộ vay ( giải ngân ngày 23/4/2013); Xã An Hòa,  huyện Trảng Bàng 500 triệu có 25 hộ vay (giải ngân ngày 15/6/2013); Xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên 600 triệu có 30 hộ vay (giải ngân ngày 26/4/2013); Xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu 600 triệu có 35 hộ vay (giải ngân ngày 11/9/2013). Còn lại 2 dự án mới giải ngân trong tháng 5/2014 là Xã Phước Trạch,  huyện Gò Dầu  500 triệu có 25 hộ vay (giải ngân ngày 22/5/2014); Xã Long Khánh, huyện Bến Cầu 600 triệu có 30 hộ vay (giải ngân ngày 29/5/2014).

Qua kiểm tra thực tế của Ban điều hành đề án tỉnh ở 4 dự án thuộc 4 xã Trường Tây (Hòa Thành); An Hòa (Trảng Bàng); Thạnh Bình (Tân Biên); Thạnh Đông (Tân Châu) có 115 hộ  được vay với tổng số tiền là 2,2 tỷ đồng; trong đó có: 95 hộ vay, mỗi hộ 20 triệu đồng và 20 hộ vay, mỗi hộ 15 triệu đồng), nhìn chung có 82/115 hộ sử dụng vốn đúng mục đích; trong đó:  04 hộ nuôi trâu, 65 hộ  nuôi bò, 08 hộ chăn nuôi gà, 03 hộ nuôi heo, 01 hộ nuôi cá, 01 hộ nuôi cút; có 11 hộ vay sản xuất các loại cây trồng, trong đó: 06 hộ trồng mì, 02 hộ trồng tiêu, 01 hộ ươm cây cao su giống, 02 hộ chăm sóc cây kiểng; có 15 hộ mua bán nhỏ lẻ; Tuy nhiên, còn lại 07 hộ vay sản xuất, chăn nuôi nhưng sử dụng vào việc trị bệnh ( 01 hộ ở xã Trường Tây, Hòa Thành) và sửa chửa nhà ở (06 hộ xã Thạnh Đông, Tân Châu).

Đối với những hộ sử dụng vốn đúng mục đích, qua kiểm tra thực tế, bước đầu nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, nhất là đối với 69 hộ vay  chăn nuôi trâu bò. Từ nguồn vốn vay của dự án, các hộ này đã mua 72 con bò cái và 5 con trâu, hiện nay đàn trâu, bò này đang phát triển tốt, nhiều con đã sinh sản và lợi nhuận mang lại là khá cao; theo ước tính sơ bộ từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của 4 dự án là 2,2 tỷ đồng, sau 1 năm sử dụng lợi nhuận từ nguồn vốn ban đầu đã tăng thêm ước khoảng trên 1,5 tỷ đồng, cụ thể: xã An Hòa từ 500 triệu đến nay đã tăng lên ước khoảng 900 triệu; xã Trường Tây từ 500 triệu đến nay ước khoảng 800 triệu; Thạnh Bình từ 600 triệu đến nay ước khoảng 01 tỷ đồng; Thạnh Đông từ 600 triệu đến nay ước khoảng 800 triệu). Cá biệt có những hộ đến nay đã tăng gấp đôi nguồn vốn vay ban đầu, điển hình  như hộ Kim Quang, người dân tộc Chăm ở ấp Thạnh An, xã Thạnh Bình (Tân Biên) từ nguồn vốn vay 20 triệu và được cha mẹ hỗ trợ thêm đã mua 2 con bò cái, sau gần 1 năm chăn nuôi đến nay đã sinh 2 con bê  trên 4 tháng và 2 bò mẹ cũng đã phủ giống lại hơn 1 tháng, giá trị tài sản của anh (chị) Quang ước đạt trên 60 triệu đồng và khả năng thoát nghèo của gia đình chị Quang là rất khả  thi hay các hộ Tống Thị Huyện, Phan Văn Hải ngụ ấp Hòa Hưng, xã An Hòa (Trảng Bàng) từ nguồn vốn vay mỗi hộ 20 triệu, 2 gia đình đã mua 2 con bò cái, sau một năm chăn nuôi, bò cái đã sinh được bê con, giá trị của bò cái và bò con của mỗi hộ đến nay ước trên 45 triệu đồng, hoặc hộ Nguyễn Minh Quân, ấp Trường Huệ, xã Trường Tây ( Hoà Thành) từ nguồn vốn vay 20 triệu, sau một năm nuôi bò đã sinh được bê con, đến nay cả mẹ và con ước trên 40 triệu đồng và còn nhiều hộ khác vay tiền nuôi trâu, bò đều sinh lợi cao, khả năng hoàn vốn tốt. Đối với 11 hộ vay sản xuất, 15 hộ chăn nuôi gà, cá, chim cút, 11 hộ mua bán nhỏ lẽ tuy hiệu quả không bằng chăn nuôi trâu, bò nhưng cũng đã mang lại lợi nhuận khá, khả năng thu hồi vốn cũng như thoát nghèo cũng rất khả thi.

Ngoài ra, việc hỗ trợ vốn chăn nuôi bò sinh sản ở 4 xã trên Dự án đã tạo việc làm ổn định cho trên 140 lao động ở nông thôn, giúp các hộ có điều kiện thoát nghèo, góp phần hỗ trợ các xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 10, 12 của bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

      Tuy nhiên bên cạnh những hộ làm ăn có hiệu quả như trên vẫn còn một vài hộ làm ăn không hiệu quả do sử dụng vốn không đúng mục đích hoặc sử dụng vốn đúng mục đích nhưng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cụ thể 02 hộ ở xã An Hòa, Trảng Bàng bị bệnh dịch lở mồm long móng, đã làm chết 2 con bò cái sinh sản thiệt hại hơn 25 triệu (vốn mua 2 con bò là 40 triệu đồng, bị chết bán thịt được 14,5 triệu đồng) Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã xuống trực tiếp để động viên 2 gia đình và trao đổi với Ban Thường trực UBMTTQVN huyện, Hội Nông dân huyện Trảng Bàng, Ban quản lý Dự án xã An Hòa thường xuyên gặp gỡ, động viên, hướng dẫn gia đình khắc phục; hiện nay có 01 hộ đã tự huy động vốn người thân mua lại 01 con bò cái khác và bò hiện nay phát triển tốt, khả năng thu hồi vốn đảm bảo, còn một hộ sau khi bò bệnh chết, chủ hộ không đủ điều kiện mua bò lại và đã xin làm bảo vệ ở Khu công nghiệp, cùng với 1 đứa con trai lớn xin vào lái xe tải nhẹ cho 1 Doanh nghiệp tư nhân ở Thị trấn Trảng Bàng nên Ban quản lý Dự án xã dự định sẽ thu lại nguồn vốn để cho đối tượng khác vay. Đối với các hộ sử dụng nguồn vốn vay không đúng mục đích, Ban quản lý Dự án các xã đã xuống trực tiếp gặp các hộ này lập biên bản, đồng thời động viên từng hộ thực hiện đúng cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.

Có thể nói Đề án “Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh” ra đời đã đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng người dân và phù hợp với chủ trương của Đảng, tạo điều kiện để người nghèo có cơ hội lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, được các ngành, các tầng lớp nhân dân ở cơ sở, địa bàn Khu dân cư đồng tình, đánh giá cao. Sắp tới Lãnh đạo 2 cơ quan Mặt trận và Hội Nông dân tỉnh sẽ đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương để Thường trực Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” tỉnh tiếp tục xuất quỹ giao cho một số tổ chức thành viên của Mặt trận quản lý để hỗ trợ vốn cho Đoàn viên, Hội viên nghèo vay sản xuất chăn nuôi như đề án của Mặt trận và Hội Nông dân tỉnh, cùng nhau phối hợp chăm lo cho người nghèo, góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

                                                     Nguyên Khôi (MTTQ tỉnh)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây