Thông cáo báo chí: Văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành trong lĩnh vực Tư pháp

Thứ tư - 23/08/2023 17:00 386 0
Trong tháng 8 năm 2023, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực Tư pháp như sau:

1. Nghị quyết số 53/2023/NQ-HĐND ngày 20/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

a) Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành

* Sự cần thiết ban hành

Cơ sở pháp lý:

+ Khoản 1 Điều 27 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có Hội đồng nhân dân tỉnh đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:

"1. Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Giám sát việc thực hiện pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật."

+ Khoản 2 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Cơ sở thực tiễn:

+ Thời gian qua, trên cơ sở Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã triển khai khá toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được nâng lên; chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có chuyển biến tích cực; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng đổi mới, với nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực; ý thức tuân thủ, chấp hành, thượng tôn pháp luật của cán bộ và nhân dân nhìn chung có sự chuyển biến rõ nét. Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương, góp phần phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

+ Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Trình độ, năng lực, kỹ năng của một bộ phận đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn rất hạn chế…

+ Từ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên thì Hội đồng nhân dân tỉnh cần thiết và có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

* Mục đích ban hành

- Quy định chi tiết nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và Khoản 2 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Đề ra các giải pháp hữu hiệu, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

c) Nội dung chủ yếu

Nghị quyết gồm 03 Điều với những nội dung cơ bản sau:

* Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

- Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định về biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của pháp luật.

Biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

- Tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Định kỳ hằng năm có ít nhất 95% báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, công chức làm công tác pháp chế các sở, ban, ngành được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật lĩnh vực chuyên ngành; 95% tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới ban hành; quan tâm bồi dưỡng, công nhận báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở là người dân tộc thiểu số.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các thành viên của Hội đồng. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các thành viên của Hội đồng thực hiện nghiêm Quy chế hoạt động của Hội đồng; chủ động trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Hằng năm, Hội đồng ban hành Kế hoạch hoạt động để phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên Hội đồng. Hội đồng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên. Phát huy vai trò chủ động của các thành viên của Hội đồng, các sở, ngành, địa phương trong công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp với địa bàn, nhóm đối tượng, độ tuổi, nghề nghiệp; tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật quan trọng, có trọng tâm, trọng điểm. Nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết hợp các phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với các phương thức hiện đại. Kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025 đạt và tiếp tục duy trì kết quả thực hiện đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:

+ Trên 80% Nhân dân trên địa bàn tỉnh được phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức phù hợp; 100% các trường học trên địa bàn tỉnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên về các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống tệ nạn xã hội… nhằm giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, tạo thói quen xử sự theo pháp luật của học sinh, sinh viên;

+ 100% các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh mới ban hành được phổ biến rộng rãi đến các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của văn bản;

+ 100% cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân được trang bị kiến thức pháp luật theo lĩnh vực hoạt động chuyên ngành và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của mình;

+ 100% tổ chức, cá nhân có liên quan đến các điểm nóng vi phạm pháp luật, khiếu kiện kéo dài, vụ việc liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ 100% người đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam, Trại tạm giam và Nhà tạm giữ Công an các huyện, thị xã, thành phố; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người bị phạt tù được hưởng án treo; người được đặc xá, tha tù về cư trú, sinh sống tại địa phương; người phải thi hành án dân sự được phổ biến các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, xử lý vi phạm hành chính.

- Phát huy vai trò của lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng và các cơ quan tư pháp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao (đảm bảo, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; hoạt động xét xử, kiểm sát; thi hành án…).

- Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đảm bảo kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là một số đề án sau:

+ Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân giai đoạn 2023-2030";

+ Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027";

+ Đề án "Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028";

+ Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027";

+ Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2022-2027";

+ Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027";

+ Đề án "Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn".

* Quy định về tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan và hiệu lực thi hành Nghị quyết.

2. Nghị quyết số 54/2023/NQ-HĐND ngày 20/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

a) Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành

* Sự cần thiết ban hành

Trên cơ sở Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, ngày 11/7/2012 Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND về việc quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ngày 08/02/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2023. Theo đó, tại khoản 3 Điều 7 của Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định "Căn cứ vào khả năng ngân sách, tình hình thực tế địa phương và tính chất mỗi hoạt động kim tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể mức chi đm bo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản tại địa phương…"

Căn cứ khoản 3 Điều 7 của Thông tư số 09/2023/TT-BTC, Điều 19 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2019; Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Điều 30 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Điều 21 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước và tình hình thực tế tại địa phương, thì Hội đồng nhân dân tỉnh cần thiết và có thẩm quyền ban hành Nghị quyết quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (thay thế Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND ngày 11/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh).

Từ những nội dung nêu trên, việc Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là hết sức cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật.

* Mục đích ban hành:

- Kịp thời triển khai thực hiện nội dung quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BTC. Đồng thời, thay thế Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND ngày 11/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Đảm bảo kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt là kinh phí cho công tác hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh kỳ 2019-2023.

c) Nội dung chủ yếu

Nghị quyết gồm 05 điều với những nội dung sau:

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

- Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật gồm:

+ Sở Tư pháp;

+ Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố;

+ Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có nhiệm vụ giúp cơ quan, người có trách nhiệm rà soát, hệ thống hoá văn bản quy định tại khoản 3 Điều 139 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

+ Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản theo chỉ đạo, yêu cầu, kế hoạch.

Mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

- Quy định cụ thể nội dung chi, mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

- Nội dung chi khác: Ngoài những nội dung và mức chi quy định tại Nghị quyết này, các nội dung chi còn lại thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật hiện hành.

* Nguồn kinh phí

Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành

* Điều khoản thi hành

- Thay thế Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Trường hợp các văn bản được viện dẫn trong Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản đã sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

* Quy định về tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan và hiệu lực thi hành Nghị quyết.

3. Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND ngày 15/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh bãi bỏ Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

a) Hiệu lực thi hành

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2023.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành

* Sự cần thiết ban hành

Ngày 08 tháng 02 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 09/2023/TT-BTC quy định "Căn cứ vào khả năng ngân sách, tình hình thực tế địa phương và tính chất mỗi hoạt động kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản tại địa phương…"

Ngày 20/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 54/2023/NQ-HĐND quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, Nghị quyết sẽ quy định cụ thể mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản tại địa phương; không cần ban hành Quyết định để quy định chi tiết (thực hiện trực tiếp mức chi cụ thể của Nghị quyết).

Căn cứ khoản 3 Điều 7 của Thông tư số 09/2023/TT-BTC, Điều 21 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2019; Điều 11, Điều 12 , Điều 28 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị quyết số 54/2023/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và để đảm tính thống nhất, đồng bộ và kịp thời triển khai Nghị quyết số 54/2023/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2023, thì Ủy ban nhân dân tỉnh cần thiết và có thẩm quyền ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

* Mục đích ban hành

- Kịp thời triển khai Nghị quyết số 54/2023/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tình quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

- Đảm bảo tính thống nhất của quy định pháp luật hiện hành về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

- Đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

c) Nội dung chủ yếu

Quyết định có 02 Điều với những nội dung cơ bản sau:

- Bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Quy định vể điều khoản thi hành gồm hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây