Thành phố Tây Ninh hôm nay.
1. Ký ức vàng son
Các sách sử xưa của triều Nguyễn có nhắc tới từ rất sớm một số địa danh nay thuộc TP. Tây Ninh. Sách “Gia Định thành thông chí” (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức, đoạn viết về trấn Phiên An đã tả ngay đến núi Bà Đen. Rằng: “Là núi cả trấn trông thấy ở cách trấn lỵ về phía Tây 261 dặm rưỡi, đá đất cao chót vót, cây cối um tùm, nước ngọt đất màu, trên có chùa Vân Sơn, dưới có hồ chằm, cảnh trí thanh u, hang rừng sâu thẳm, cả người Kinh, người Mọi ở rải rác, nhân dân các làng mạc phần nhiều nhờ lợi núi rừng, có vàng ngọc và cổ khí người ta có khi bắt được. Tục truyền trong hồ có khi thấy chiêng vàng, những truyện: khánh nổi trên bến, được chuông dưới sông, nhưng gần đây lại mất rồi, và khi đêm trời tạnh thấy thuyền rồng thênh thang, hát múa du dương; có khi thấy rùa vàng lớn hơn một trượng thình lình hiện ra. Đó là vì khí thiêng chung đúc, không phải việc quái gở đâu!”.
Xin nói thêm về tác phẩm này. GĐTTC được Trịnh Hoài Đức dâng lên vua Minh Mạng năm 1820, nghĩa là ông đã viết trước đó, khi ông còn là Hiệp tổng trấn Gia Định. Và không chỉ có núi, ông còn mô tả các sông, suối trong vùng khá tỉ mỉ, như sông Vàm Cỏ Đông (lúc đó gọi sông Quang Hoá) và rạch Tây Ninh- còn gọi là suối Lăng Khê: “Suối Lăng Khê, ở bờ Bắc sông Quang Hoá, cách trấn lỵ về phía Tây 85 dặm rưỡi, theo sông nhỏ ở cửa sông đi ngược lên phía Bắc, 61 dặm thì đến thủ sở Thuận Thành; có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Đen thấm thía chảy ra, dân theo về lợi rừng núi sông chằm đi lại luôn không dứt…”. Sau này, sách “Đại Nam nhất thống chí” gọi suối Lăng Khê bằng những tên khác như Khe Xỉ, hoặc Xỉ Khê.
Với người xưa, thế núi hình sông là vô cùng quan trọng. Trịnh Hoài Đức quan niệm: “Núi là xương của đất, nước là máu của đất, ấp ủ lưu thông để làm ra đất đai một phương. Những người anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ cũng từ đó mà sinh ra”… (GĐTTC).
Núi sông là của tự nhiên, nói cách khác là trời ban cho miền đất Tây Ninh. Còn công trình của con người tạo dựng trên đất Tây Ninh, có liên quan đến TP Tây Ninh vào thời kỳ trước khi lập các đơn vị hành chính có lẽ chỉ duy nhất có con đường sứ, còn gọi là đường thiên lý Đông Tây. Sách GĐTTC, quyển Hạ có đoạn: “Tháng 10 năm Ất Hợi (1815) sai Tổng trấn thành Gia Định đo lường từ cửa Đoài Duyệt phía Tây thành, qua cầu Tham Lương, qua bến đò Thị Sửu, qua chằm Lão Rồng, giáp ngã ba đường sứ đi Khê Lăng, đến đất Cà Rá nước Cao Miên, đến sông lớn Đại Giang 439 dặm. Gặp sông ngòi thì bắc cầu xây cống, chỗ bùn lầy thì lấy đất bồi lấp, qua rừng đẵn cây mở đường thiên lý, mặt đường rộng 6 tầm (khoảng 14 mét), thực là bình an cho người và ngựa…”.
Con đường sứ kể trên- nay chính là đường 782 và 784 nối đường quốc lộ 22A với đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay xuyên qua TP Tây Ninh sang huyện Châu Thành.
Đấy là chuyện của triều đình. Còn với người dân những năm dưới chế độ phong kiến, phải phiêu bạt nhiều nơi kiếm sống thì đất Tây Ninh, đặc biệt là khu vực TP Tây Ninh hiện nay đã là một lựa chọn tốt đẹp cho dân lưu tán làm nơi cư trú. Họ theo các dòng sông Sài Gòn (Đục Giang) và Vàm Cỏ Đông (Quang Hoá) từ các cửa biển đi lên. Rồi toả vào các con rạch suối, tìm đến những nơi có “đất màu, nước ngọt”. Chưa có tài liệu nào khẳng định người Việt đầu tiên đến nơi đây vào thời gian nào. Chỉ biết, năm 1748 khi Nguyễn Cư Trinh dẫn hàng nghìn dân Chăm từ An Giang lên lánh nạn đã dễ dàng thu xếp bố trí cho người Chăm ở vùng chân núi Bà Đen. Cho đến khi đoàn Kinh lược sứ của triều Minh Mạng nhận lệnh đi kinh lý Nam kỳ, lên đất Tây Ninh năm 1836 thì đã thấy rõ là một vùng dân cư sinh sống thuận hoà, ổn định. Đại Nam thực lục có chép: “Nay đoàn Kinh lược sứ Trương Minh Giảng, Trương Đăng Quế đến tận nơi xem xét, thấy từ cầu Tây Huê (Chí Hoà) đi đường sứ (Cách Mạng Tháng Tám) sẽ thẳng tới phủ Kha Lâm, khoảng giữa có đồn Xỉ Khê (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay), đất đai rộng rãi, bằng phẳng màu mỡ, người Kinh người Phiên ở xen nhau, làm ăn cấy cày…”.
Chính là từ kết quả của cuộc kinh lý này mà vào mùa thu năm ấy- Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho lập phủ Tây Ninh. Địa danh Tây Ninh chính thức được khai sinh, thể hiện mơ ước của cả người dân và quan lại cai trị- đấy là một vùng đất khang ninh thịnh vượng ở miền biên giới Tây Nam Đất nước.
2. Sự kiện thành lập phủ Tây Ninh
Xin nhắc lại; đồn Xỉ Khê trong đoạn văn của Đại Nam thực lục đã kể trên chính là nơi có BCH Quân sự tỉnh, nay thuộc phường 1, TP Tây Ninh. Nơi đây có con đường sứ đi qua, từ tháng 6.1815 còn được gọi là đường Thiên lý, có bố trí các trạm ngựa trên đường. Dân cư sống yên vui “xen nhau làm ăn cày cấy” trên nền tảng đất đai rộng rãi, bằng phẳng, màu mỡ”.
Về mặt quân sự, các quan Kinh lý cũng nhận xét: “Bên tả có sông nhỏ ăn thông với sông Quang Hoá (tức Xỉ Khê, nay là rạch Tây Ninh), bên hữu có con đường bộ ăn thông đến sông Đục (Trọc Giang, nay là sông Sài Gòn), hình thế khá đẹp. Bọn Giảng bèn dâng sớ xin đặt phủ lỵ ở đó rồi tuỳ địa thế chia đặt hai huyện lệ thuộc vào. Lại đặt một đồn bảo bên sông Đục để làm thế ỷ giốc cho thành Quang Hoá, trong làm phên giậu giữ vững cho Gia Định, ngoài có thể tăng thêm thanh thế cho Trấn Tây (Nam Vang)”.
Trên cơ sở bản tấu trình về kết quả kinh lý, vua Minh Mạng dụ rằng: “Nay đặt đồn Xỉ Khê làm huyện Tân Ninh; đạo Quang Hoá làm hạt Quang Hoá, gọi thành Quang Hoá làm huyện thành. Lại đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ (đồn Xỉ Khê) chữa cao rộng thêm để làm phủ thành. Đổi sông Đục thành sông Thanh Lưu (sông Sài Gòn), đặt đồn bảo Thanh Lưu cho lệ thuộc vào huyện Tân Ninh…” (Đại Nam thực lục).
Như vậy là huyện mới Tân Ninh có trung tâm chính là TP Tây Ninh hiện nay. Đồng thời phủ Tây Ninh được thiết lập vào mùa thu 1836 cũng kiêm lý (cai quản) luôn huyện Tân Ninh. Hai cái tên này lần đầu xuất hiện. Tên Tây Ninh còn tới ngày nay và về cơ bản vẫn giữ nguyên “hình sông thế núi” từ buổi ban đầu cách nay 180 năm trước (1836- 2016). Cũng do vậy mà thành phủ được đặt ở vị trí đồn Xỉ Khê cũ, xây nên. Đại Nam thực lục có ghi về ngôi thành này như sau: “chu vi 188 trượng 8 thước 4 tấc, cao 7 thước, hào rộng 4 trượng, sâu 5 thước, mở 3 cửa, ở địa phận thôn Khang Ninh, huyện Tân Ninh do phủ kiêm lý; năm Minh Mệnh thứ 17 mới đặt phủ hạt; năm thứ 19 xây đắp thành phủ”. Hiện chưa có một tấm ảnh tư liệu nào về ngôi thành phủ Tây Ninh. Nhưng vẫn còn trong ký ức của một người cao tuổi- như bác Năm Chì nhà ở phường 2, TP Tây Ninh. Bác từng là viên chức thời Pháp thuộc (trước 1945) vẫn còn nhớ chuyện kể của ông bà rằng: thành ấy bằng đất đắp, trồng tre gai rậm rạp. Rậm đến nỗi khi Pháp chiếm Tây Ninh sau năm 1862, chúng ban ủi đi để xây thành Săng- đá. Chúng đã phải dùng mẹo tung những đồng bạc trắng vào bên trong bụi tre, dụ dân chặt phá tre gai để tìm tiền.
Như vậy là, kể từ năm 1836, khu vực TP Tây Ninh hiện nay đã trở thành “phủ thủ” Tây Ninh. Qua thời Pháp thuộc, dù phủ Tây Ninh có bị chính quyền thực dân chia tách, sáp nhập thành các đơn vị trực thuộc khác nhau, hoặc đổi tên bằng các đơn vị hành chính khác như hạt Thanh tra, hạt Tham biện và đến ngày 1.1.1900 chính thức gọi là tỉnh Tây Ninh thì đây vẫn luôn là một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội duy nhất của tỉnh.
Rạch Tây Ninh.
3. Từ thôn lên phố
Nhiều người đã biết, địa giới cơ bản của TP Tây Ninh là địa bàn xã Thái Hiệp Thạnh. Xã này là kết quả của việc tách một phần đất đai của ba xã: Hiệp Ninh, Thái Bình, Ninh Thạnh để lập nên xã mới mang tính chất của tỉnh lỵ:- nơi tập trung các cơ quan cai trị của chính quyền cũ. Tuy nhiên, ít người còn nhớ rằng, việc lập xã Thái Hiệp Thạnh mới chỉ diễn ra năm 1956, do chính quyền Việt Nam cộng hoà (theo “Địa danh hành chính Nam bộ”- Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính Trị Quốc Gia) trong khi đó, chính quyền cách mạng tỉnh Tây Ninh đã quyết định thành lập thị xã Tây Ninh từ đầu năm 1950. Theo đó, thị xã tương đương cấp huyện. Hệ thống chính trị gồm có: Ban Cán sự Đảng, Uỷ ban Kháng chiến hành chính, Thị đội, Công an, Mặt trận Liên Việt, Ban Thông tin tuyên truyền và các đoàn thể quần chúng. Ông Võ Văn Truyện- Chủ tịch quận Châu Thành được cử làm Trưởng Ban Cán sự kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính thị xã Tây Ninh.
Ngược dòng quá khứ về thời gian đầu phát triển đô thị trung tâm tỉnh này, ta còn thấy một số tên thôn làng xưa. Đấy là các thôn làng được thành lập ngay sau khi lập phủ Tây Ninh 1836, như Khương Ninh, Khương Thạnh, Vĩnh Cư, Xuân Sơn, Thái Bình (1836). Rồi Hiệp Ninh (1838), Đông Tác (1857); Ninh Thạnh (1872)- do sáp nhập Khương Ninh và Khương Thạnh, Vĩnh Xuân (1872) do sáp nhập 2 thôn Vĩnh Cư và Xuân Sơn. Một số địa danh đã tồn tại bằng hoặc gần bằng 180 năm- ngang tuổi địa danh Tây Ninh như Hiệp Ninh, Thái Bình. Cũng có cái tên thọ đúng 100 năm như Đông Tác (1857- 1957). Các thôn xã này đều thuộc về hai tổng Hoà Ninh và Hàm Ninh Thượng. Ngoài vai trò luôn luôn là trung tâm hành chính của tỉnh trong suốt chiều dài 180 năm, thì từ năm 1957 đến 1959 Tây Ninh còn là quận lỵ của quận Châu Thành, một trong 3 quận của tỉnh Tây Ninh lúc ấy là Trảng Bàng, Châu Thành, Gò Dầu Hạ.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975, thị xã Tây Ninh gồm có 3 phường: 1, 2, 3. Ngày 26.9.1981, ấp Bình Trung của xã Thái Bình được nhập vào thị xã, thành xã mới Bình Minh. Ngày 10.8.2001, Thị xã lại được mở rộng theo Nghị định số 216/2001/NĐ-CP, thành lập phường IV và phường Hiệp Ninh. Ngày 29.12.2013, Chính phủ có Nghị quyết số 135/2013/NQ-CP thành lập hai phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh và thành phố Tây Ninh.
Thế mà cũng đã 201 năm rồi, kể từ khi có con đường thiên lý Đông Tây xuyên ngang qua Thành phố. Còn núi Bà và sông Xỉ Khê vẫn còn lồng lộng với trời mây. Giờ Thành phố đã có thêm những khối nhà 11 tầng cao lừng lững. Hai trăm năm, những dấu son tươi. Hai trăm năm, vẫn một đô thị xanh ngời như ngọc. Đấy là thành phố Tây Ninh của chúng ta, của tất cả mọi người.
Theo Báo Tây Ninh Online