Thẻ Căn cước công dân gắn chip có nhiều ưu điểm về độ bảo mật cao hơn thẻ Căn cước công dân không gắn chip. Thẻ Căn cước công dân gắn chip lưu trữ được nhiều thông tin hơn và được tích hợp các dữ liệu cần thiết (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, đất đai, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác), tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng.
Do đó, thẻ Căn cước công dân sẽ giúp công dân thực hiện hầu hết các giao dịch, các thủ tục hành chính (không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí), có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống.
Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh an toàn thông tin.
Thẻ Căn cước công dân gắn chip không có chức năng định vị, theo dõi công dân.
Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định: Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành kèm Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đang tập trung thực hiện ngay việc tích hợp Căn cước công dân với một số giấy tờ quan trọng như: thẻ Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, y tế...
Ngoài ra, Đề án này còn đề ra mục tiêu tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, chứng khoán, thanh toán không dùng tiền mặt... lên mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.
Từ việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử nói chung, đến thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử nói riêng đều hướng đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích. Bao gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp
XV
(Tổng hợp từ Luatvietnam.vn)