Trần Thị Nga - nữ biệt động anh hùng

Thứ tư - 22/07/2015 16:00 43 0
Trong chiến công của Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng không thể không nhắc đến những đồng chí giao liên đầy mưu trí, gan dạ luôn tìm cách luồn lách qua mắt kẻ thù như: Đồng chí Trần Thị Nga, sinh năm 1949, tại ấp Gia Huỳnh, thị trấn Trảng Bàng, đồng chí luôn bảo đảm chuyển vũ khí, tài liệu từ vùng căn cứ ra phục vụ kịp thời cho Đội trừng trị bọn ác ôn.

Theo Quốc lộ 22 từ Sài Gòn lên Tây Ninh, đi khoảng 50 km là đến trung tâm thị trấn Trảng Bàng (trước đây gọi là quận lỵ Trảng Bàng). Đây là quê hương giàu truyền thống cách mạng, đã hai lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng. Huyện Trảng Bàng nằm tiếp giáp với huyện Củ Chi, là địa bàn chiến lược rất quan trọng của cả hai phía ta và địch. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các lực lượng cách mạng trong thành phố Sài Gòn - Gia Định đã chọn Trảng Bàng làm nơi đứng chân mỗi khi hoạt động nội thành bị lộ hoặc về đây rèn quân để tạo thế và lực mới trở lại hoạt động. Về phía địch, chúng tăng cường tập trung lực lượng khá đông lên Trảng Bàng tạo thành lá chắn bảo vệ cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, vì Trảng Bàng mất là Sài Gòn mất. Chúng đã mở nhiều hành quân lớn đánh vào vùng căn cứ của ta ở Bời Lời, vùng Tam giác sắt (Trảng Bàng, Củ Chi, Bến Cát) tìm diệt lực lượng cách mạng.

Tất cả các cuộc hành quân lớn của địch trong chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 đều bị thất bại. Quân và dân Trảng Bàng đã lập nên nhiều chiến công, góp phần đập tan mọi âm mưu thủ doạn của địch. Bước sang năm 1968, trước khí thế tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân toàn miền Nam trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, địch càng điên cuồng đánh trả quyết liệt. Chúng điều động Sư đoàn 25 bộ binh cùng pháo binh và không quân yểm trợ hành quân thọc sâu vào vùng căn cứ của ta. Bên trong thị trấn Trảng Bàng bọn cảnh sát từ tỉnh Hậu Nghĩa qua, từ Sài Gòn lên ngày đêm lùng sục, tìm kiếm bắt bớ cán bộ của ta. Không khí ngột ngạt, căng thẳng bao trùm cả thị trấn, lúc bấy giờ ra đường gặp toàn các sắc áo nguỵ quân, nguỵ quyền.

Các lối ra vào thị trấn đều bị hệ thống đồn bót địch chốt chặn dày đặc, nên các đơn vị của ta rất khó đột nhập vào thị trấn để xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền vận động đồng bào ủng hộ kháng chiến. Địa bàn thị trấn lúc đó ít dân, nên cán bộ ra vào dễ bị lộ, đồn bót giặc nhiều hơn đường giao thông nên sau khi hành động rất khó rút lui. Bằng mọi cách phải tạo bước đột phá, khai thông cánh cửa ra vào nội thị, giải toả sự căng thẳng, ngột ngạt để đưa phong trào cách mạng phát triển và nhiệm vụ này được giao cho Đội Biệt động mật thị trấn Trảng Bàng.

Khi cuộc tiến công của quân và dân toàn miền Nam trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 đang diễn ra quyết liệt, đồng chí Đoàn Văn Dữ - Uỷ viên Ban thường vụ Phân khu uỷ - Phân khu I phụ trách công tác tổ chức, dân vận của hai huyện Củ Chi và Trảng Bàng nhận thấy cần phải có lực lượng bao vây tấn công địch ở chi khu Trảng Bàng, vây ép chúng trong nội thị để tiêu diệt sinh lực địch, nên đã bàn với đồng chí Mười Diệm - uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ Trảng Bàng phụ trách an ninh và đồng chí Sáu Kiên - Bí thư thị trấn Trảng Bàng thành lập Đội biệt động mật để thực hiện kế hoạch đánh vào bọn chỉ huy, bọn ác ôn, bọn bình định ngay tại sào huyệt của chúng, để phá sự kềm kẹp, khủng bố của địch từ bên trong tạo điều kiện phát triển phong trào cách mạng.

Đội Biệt động mật thị trấn Trảng Bàng đã từng làm cho bọn giặc ở quận lỵ Trảng Bàng khiếp sợ, không dám nghênh ngang lùng sục, bắt bớ những chiến sĩ cách mạng, bọn ác ôn đầu sỏ luôn cảnh giác, không dám co cụm từng nhóm đông người mà phân tán lẻ tẻ từng tên. Trong chiến đấu Đội đã tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm rúng động tinh thần binh sĩ nguỵ. Chiến công của toàn Đội đã đánh 48 trận, giết chết và làm bị thương trên 191 tên địch, trong đó có 2 tên đại uý và 1 tên trung úy cảnh sát ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân phải đền tội tại chỗ và 3 tên Mỹ. Đốt cháy một kho xăng của địch ở quận lỵ. vận động đào rả ngũ 3 lính Sư đoàn 25 nguỵ, xây dựng bốn cơ sở nội tuyến phục vụ mật báo tình hình địch cho cơ sở ta.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng có 3 đồng chí được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang (tức Nguyễn Thị Kiều), đồng chí Nguyễn Văn Đức và đồng chí Trần Thị Nga.

Trong chiến công của Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng không thể không nhắc đến những đồng chí giao liên đầy mưu trí, gan dạ luôn tìm cách luồn lách qua mắt kẻ thù như: Đồng chí Trần Thị Nga, sinh năm 1949, tại ấp Gia Huỳnh, thị trấn Trảng Bàng, đồng chí luôn bảo đảm chuyển vũ khí, tài liệu từ vùng căn cứ ra phục vụ kịp thời cho Đội trừng trị bọn ác ôn.

Đồng chí đã cùng với đồng đội đánh diệt nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, đồng chí nhận nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội đánh vào Chi khu Trảng Bàng. Do trận đánh diễn ra ác liệt, bộ đội bị thất lạc, đồng chí đã bị lộ nên thoát ly, làm Phó Bí thư Chi đoàn. Đồng chí đã tham gia nhiều trận, trong đó có 02 trận đánh điển hình. Trận thứ nhất là trận đánh vào quán cơm Chung Hiệp tại trung tâm huyện lỵ Trảng Bàng, đây là nơi bọn cảnh sát Phượng Hoàng từ Hậu Nghĩa qua và từ Sài Gòn lên thường tập trung ăn uống ở đây. Tiệm cơm Chung Hiệp, mở cửa mỗi ngày 3 buổi sáng - trưa - chiều và chỉ bán cho bọn cảnh sát, sĩ quan nguỵ không bán cho dân. Mỗi khi bọn sĩ quan, cảnh sát vào ăn bên trong tiệm thì phía ngoài cửa đều có hai tên lính cầm súng đứng gác sẵn sàng nã đạn vào những ai mà chúng khả nghi. Dù canh phòng cẩn mật, nhưng địch đã bị đánh bất ngờ, ta diệt tại chỗ 06 tên bình định ác ôn. Trận thứ hai là trận bắn chết tên thiếu úy ác ôn vào lúc 9 giờ sáng.

Tháng 8/1970, trong một đợt càn vào căn cứ, địch bắt được đồng chí Nga. Lúc bị địch bắt ngay tại căn cứ trong người có mang theo túi tài liệu quan trọng, đồng chí Trần Thị Nga vẫn giữ vững khí tiết không khai báo, bảo vệ được cơ sở cách mạng. Địch đưa đồng chí từ Chi khu Trảng Bàng về Tiểu khu Hậu Nghĩa để khai thác, nhưng không thu được gì, chúng đưa đồng chí qua nhà giam  Quân đoàn 3 ngụy tại Biên Hòa. Tại đây, địch tra tấn hết sức dã man (từ hình thức chó cắn đến cho con lươn chui qua âm đạo) nhằm phát hiện lực lượng bí mật của cách mạng. Trước những đoàn thù man rợ, đồng chí vẫn kiên cường chịu đựng, không đầu hàng, không khai báo. Đồng chí đã hiên ngang trả lời: "Tụi bây có thể giết tao, chớ đồng đội, đồng chí của tao làm sao tụi bây biết được". Không thể khai thác được tin tức gì, địch đã thẳng tay tra tấn đồng chí cho đến chết trong tù vào tháng 11/1970.

Cảm kích trước gương hy sinh dũng cảm của đồng chí Trần Thị Nga, Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất địa phận Biên Hòa đã tự nguyện đưa thi hài của đồng chí về quê hương Trảng Bàng an táng với sự ngưỡng mộ của hàng ngàn tín đồ Phật giáo.

Đồng chí đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/7/1998.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây