Triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ 1 – 5 tuổi năm 2018 – 2019

Thứ bảy - 03/11/2018 17:00 113 0
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 6193/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi – Rubella (MR) cho trẻ 1 – 5 tuổi năm 2018 - 2019.

Mục tiêu của Chiến dịch là trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm 1 mũi vắc xin MR góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng. Đạt tỷ lệ 95% trẻ từ 1 - 5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin MR. Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

Chiến dịch sẽ được triển khai trong 2 đợt: đợt 1 từ tháng 11-12/2018 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố; đợt 2 từ tháng 01-02/2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố. Tổng số huyện triển khai là 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố. Tây Ninh sẽ triển khai trong đợt 2, từ tháng 01-02/2019 tại toàn bộ 09/09 huyện, thành phố của tỉnh.

Đối tượng tiêm là tất cả trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (Trẻ sinh từ 01/01/2014 - 01/11/2017 đối với đợt 1, trẻ sinh từ 01/3/2014 - 01/01/2018 đối với đợt 2) sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin MR không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung. Dự kiến số lượng khoảng 4.286.099 trẻ.   

Vắc xin MR sử dụng trong Chiến dịch là vắc xin do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế của Việt Nam sản xuất.

Theo Bộ Y tế, Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Vắc xin sởi và rubella an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.

Từ năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016, ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (SPB) tại 45 tỉnh/thành phố, trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính. Năm 2018, tính đến ngày 17/9/2018 toàn quốc có 49 tỉnh/thành phố ghi nhận 2.301 trường hợp SPB, 37 tỉnh/thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính, 01 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.

                                                Song Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây