Kế hoạch nhằm xác định nội dung nhiệm vụ và lộ trình cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Hiệp định nêu trên nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam với các cơ quan chức năng Campuchia trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới hai nước.
Cụ thể, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai Hiệp định, nhất là các địa phương có tuyến biên giới giáp với Campuchia; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao trong phòng, chống mua bán người, nội dung Hiệp định và thực tế tình hình hoạt động tội phạm mua bán người xảy ra ở địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tuyên truyền phổ biến nội dung Hiệp định gắn với giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về Luật Phòng, chống mua bán ngưới, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015, các chính sách pháp luật liên quan khác, phương thức, thủ đoạn hoạt động, nguyên nhân, hậu quả tác hại của tội phạm buôn bán người.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin truyền thông cơ sở về phòng, chống mua bán người tại các địa phương biên giới hai nước với những hình thức, phương pháp linh hoạt như hội thảo, tọa đàm, tập huấn, in phát tờ rơi, văn hóa du lịch...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành điều tra khảo sát thực trạng nạn nhân bị mua bán trở về, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của 2 nước trở về theo quy định của pháp luật.
Cũng theo kế hoạch, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương phối hợp lực lượng Biên phòng các cấp với các cơ quan chức năng Campuchia tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, chủ động nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, nhất là hoạt động của các đường dây, băng ổ nhóm tội phạm liên quan đến hai nước để phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, khám phá, bắt giữ tội phạm, giải cứu nạn nhân.
Các địa phương có đường biên giới với Campuchia chủ động duy trì giao ban, đàm phán, gặp gỡ thường niên và đột xuất, thiết lập đường dây nóng với các địa phương đối đẳng của Campuchia, nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt, chuyển giao đối tượng, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.
Theo chinhphu.vn