Hội nghị trực tuyến Toàn quốc về an toàn hồ chứa nước: Khu đầu mối hồ Dầu Tiếng chưa được kiểm tra an toàn đập

Thứ sáu - 30/08/2013 00:00 80 0
Cơ quan quản lý hồ Dầu Tiếng chưa đăng ký, kiểm định an toàn đập và chưa kiểm tra, chứng nhận bảo đảm về chất lượng xây dựng đập…

 

Hồ Dầu Tiếng trong mùa tích nước

 

Hội nghị diễn ra sáng ngày 29.8, do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì. Tại đầu cầu Tây Ninh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang chủ trì.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 61 hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện quan trọng trên 11 lưu vực sông (trong đó có hồ Dầu Tiếng) phải xây dựng và vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình; góp phần giảm lũ và bảo đảm yêu cầu phòng – chống lũ cho hạ du trong mùa mưa lũ và bảo đảm hiệu quả phát điện (nếu có). Trong mùa khô, các hồ phải vận hành theo nguyên tắc bảo đảm nhu cầu dùng nước tối thiểu ở hạ du trong các thời kỳ và bảo đảm hiệu quả phát điện (nếu có).

Về các hồ thuỷ lợi, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hồ chứa quy mô lớn được sự quản lý chặt chẽ từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến quản lý vận hành (trong đó có hồ Dầu Tiếng). Tuy ít về số lượng nhưng các hồ này có vai trò quyết định tạo đà phát triển kinh tế, xã hội và phòng – chống lũ, chống hạn tốt, công trình có tính an toàn cao.

Về phía tỉnh Tây Ninh, báo cáo của UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn đập của các hồ thuỷ lợi trong tỉnh cho biết: Hiện Tây Ninh có 5 hồ và đập nước là hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, hồ Nước Trong 1, hồ Nước Trong 2 và đập Suối Đục. Qua đợt kiểm tra gần đây cho thấy, thân đập chính hồ Dầu Tiếng thấm nước mức độ nhẹ; hệ thống tời thả phai quá cũ, thời gian vận hành thả phai chậm, cần được thay mới hoặc sửa chữa; thân tràn xả lũ hư hỏng nhẹ; công tác quan trắc quản lý an toàn đập và an toàn hạ du chưa được thực hiện đầy đủ, chưa phù hợp (chưa có quan trắc lún, chuyển vị); quan trắc thấm chưa được phân tích, đánh giá đầy đủ theo quy định. Mặt khác, cơ quan quản lý hồ Dầu Tiếng chưa đăng ký, kiểm định an toàn đập và chưa kiểm tra, chứng nhận bảo đảm về chất lượng xây dựng đập; chưa lập phương án bảo vệ công trình, phương án phòng, chống lụt bão công trình đầu mối hồ Dầu Tiếng.

Hồ Tha La hiện ở trạng thái bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đã xuất hiện xói lở mái thượng lưu và hạ lưu; số liệu quan trắc chưa đầy đủ; chưa kiểm định an toàn đập; chưa được chứng nhận bảo đảm về chất lượng xây dựng đập do chưa đến thời hạn kiểm định; chưa được lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du…

Hai hồ Nước Trong 1 và 2 hiện vận hành bình thường nhưng nền đập chính của hồ Nước Trong 1 xuất hiện thấm ở mức độ nặng; hồ cũng chưa được thực hiện công tác quan tắc quản lý an toàn đập; chưa đăng ký, chưa kiểm định an toàn đập; chưa được lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du; chưa có phương án bảo vệ đập, phương án phòng - chống lụt bão; chưa có quy trình vận hành, điều tiết nước hồ. Ở đập Suối Đục, thân đập và nền đập chính cũng đã xuất hiện tình trạng thấm mức độ nhẹ; tràn xả lũ xuất hiện lún mức độ nhẹ; sạt lở đất ở mái thượng và hạ lưu.

Để bảo đảm an toàn cho các hồ, đập trong tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà thực hiện một số nội dung như: Khôi phục, bổ sung hệ thống quan trắc công trình về thấm, chuyển vị lún, thuỷ văn và tổ chức quan trắc, xử lý số liệu, đánh giá theo quy định; tổ chức kiểm tra an toàn đập; kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng, xuống cấp và xử lý một số vị trí thấm; lập quy trình bảo trì; lập và trình duyệt phương án bảo vệ, phương án phòng – chống lụt bão công trình hồ Dầu Tiếng.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây