Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trường C45 Bộ Công an cho biết, thông qua một số nguồn tài liệu cho thấy, tại Việt Nam đang manh nha xuất hiện tội phạm liên quan tới vấn đề buôn bán nội tạng người. Tuy chưa trở thành vấn nạn nhưng nó đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Chúng ta mới chỉ biết tới việc buôn bán thận nhưng sự thật thì một số bộ phận nội tạng người cũng đang được săn lùng ráo riết.
Qua phân tích nguyên nhân của loại hình tội phạm này, nhiều luật sư cho rằng, cái gốc có nguyên nhân từ các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về tội danh buôn bán người. Do đó, trong việc nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự, phải xem xét sửa lại tội danh này cho phù hợp với thực tiễn và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người mà Việt Nam đã tham gia.
Bộ luật Hình sự quy định hành vi mua bán người bị xử lý theo hai tội danh là Mua bán người (Điều 119) và Mua bán trẻ em (Điều 120). Tuy nhiên, Điều 119 và Điều 120 lại thiếu quy định rõ ràng về thủ đoạn, phương thức phạm tội cũng khiến các cơ quan tố tụng khó phân biệt giữa hành vi mua bán người với hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, chứa mại dâm, môi giới mại dâm hay môi giới kết hôn, môi giới lao động, môi giới nhận nuôi con nuôi… Do đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng, Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi cụ thể để xử lý nghiêm và tránh bỏ lọt đối với tội phạm này.
Để người dân nâng cao cảnh giác với thủ đoạn mua bán nội tạng, bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tránh bị đối tượng mua bán người lợi dụng, dụ dỗ để bán ra nước ngoài.
MN