Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp lần thứ 18: Hướng tới sản xuất sắn bền vững

Thứ tư - 28/08/2013 00:00 104 0
TS. Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng cây sắn (cây mì) có giá trị kinh tế cao, giúp xoá đói giảm nghèo, vì vậy việc phát triển cây sắn cần được ưu tiên theo hướng bền vững.

Nông dân tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm

Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp lần thứ 18 với chuyên đề “Một số giải pháp phát triển sắn (khoai mì) bền vững” diễn ra sáng 26.8, do Sở NN&PTNT phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức. Khoảng 400 khách mời là các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp, Công Thương và nông dân các tỉnh Tây Ninh, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu tham gia.

Tại diễn đàn, một số chuyên đề về cây sắn (cây mì) được trình bày như: Sắn Việt Nam- thành tựu và bài học; Tổng quan về tình hình sản xuất cũng như phát triển diện tích sắn tại Việt Nam; Tổng hợp kết quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây sắn… Với những nỗ lực không ngừng, hiện Việt Nam là một điển hình của châu Á và thế giới trong việc ứng dụng công nghệ chọn, tạo, nhân giống sắn lai và xây dựng được nhiều mô hình sản xuất sắn bền vững, đạt lợi nhuận kinh tế cao.

Một số giống sắn ưu tú được giới thiệu cho nông dân hiện nay như: KM140, KM 98-5, KM21-12, 08SA06, NA1 với năng suất từ 34 đến trên 47 tấn/ha. Và trong tương lai sẽ có nhiều giống mới đạt năng suất cao, rút ngắn thời gian canh tác được đưa vào sử dụng.

Thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Tây Ninh là chuyên đề do Sở NN&PTNT trình bày. Tây Ninh có diện tích trồng sắn trên 45 nghìn ha với năng suất bình quân trên 29 tấn/ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn.

Tây Ninh hiện có 8 công ty chế biến sắn lớn và 87 cơ sở nhỏ, thị trường xuất khẩu tinh bột chủ yếu sang Trung Quốc. Hướng tới, tỉnh sẽ xây dựng các vùng chuyên canh cây sắn theo mô hình liên kết 4 nhà; đưa nhiều giống mới năng suất cao vào sản xuất; áp dụng cơ giới hoá khi sản xuất, thu hoạch…

Tuy nhiên, sản xuất sắn tại Tây Ninh vẫn còn nhiều thách thức về tính không ổn định của giá cả, công lao động khan hiếm, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chưa có chính sách bao tiêu sản phẩm. Vấn đề bảo vệ môi trường trong công nghiệp sản xuất sắn cũng đang nhức nhối hiện nay.

 Tại diễn đàn, một số nông dân đặt nhiều câu hỏi và được các chuyên gia, lãnh đạo ngành trả lời chung quanh các lĩnh vực: kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn; các giống mới đạt năng suất cao, tình hình sâu hại - đặc biệt là các bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng hoành hành trong thời gian qua.

Kết thúc diễn đàn, TS. Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng cây sắn có giá trị kinh tế cao, giúp xoá đói giảm nghèo, vì vậy việc phát triển cây sắn cần được ưu tiên theo hướng bền vững. Cần có những chính sách phù hợp để cây sắn phát triển lâu dài. Nên có sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý để có thể giúp đảm bảo sự ổn định của thị trường.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây