Thi công sửa chữa đường hư hỏng tại Thị trấn huyện Tân Châu. |
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh diễn ra trong hai ngày 29 và 30.8 tới đây, UBND tỉnh trình Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để các đại biểu xem xét thông qua.
Mục tiêu của Quy hoạch này là nhằm từng bước tạo ra hệ thống GTVT đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững, đảm bảo lưu thông nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng. Đa dạng hoá phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Mục tiêu cụ thể, về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải: Gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục giữa các hệ thống giao thông đối nội (trong tỉnh) với hệ thống giao thông đối ngoại, tạo điều kiện để tỉnh Tây Ninh tiếp cận nhanh và trực tiếp với thị trường trong vùng và quốc tế.
Xây dựng hoàn chỉnh các trục giao thông đối ngoại bao gồm trục giao thông quốc tế Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh kết nối tỉnh Tây Ninh với các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài và TP. Hồ Chí Minh – Xa Mát.
Xây dựng tuyến vòng tránh các khu đô thị trên địa bàn tỉnh, góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn giao thông và môi trường đô thị.
Cải tạo, nâng cấp các đầu mối giao thông đảm bảo nhu cầu giao lưu thông suốt. Cần xem xét hoạch định dự trữ quỹ đất để cải tạo các đầu mối trong tương lai.
Về vận tải, phát triển các tuyến vận tải hành khách đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tăng khả năng kết nối trực tiếp từ Tây Ninh đến các tỉnh khác có nhu cầu. Về vận tải hành khách nội tỉnh, mở rộng mạng lưới tuyến, chú trọng phục vụ nhu cầu của người dân ở các vùng xa đi về trung tâm. Từng bước đổi mới phương tiện để nâng cao khả năng vận chuyển, đảm bảo tính an toàn và giảm thiểu tác động tiêu cực đế môi trường.
Cầu Mới bắc qua rạch Tây Ninh |
Phát triển loại hình vận tải giao thông công cộng, khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện này. Phát triển giao thông vận tải đường thuỷ để chia sẻ bớt áp lực hiện đang rất cao của vận tải đường bộ, giảm được tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường tốt hơn. Với hệ thống các khu cụm công nghiệp của tỉnh thì hệ thống giao thông thuỷ là một lợi thế để xuất nhập và phân phối hàng hoá một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.
Theo Quy hoạch này, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển theo quy hoạch GTVT đến năm 2020 khoảng 21.048 tỷ đồng gồm các hạng mục như hệ thống đường tỉnh, hệ thống đường huyện, giao thông nông thôn, đường gom và đấu nối, hệ thống bến xe và bãi đỗ xe tải, hệ thống đường thuỷ, hệ thống cảng, vận tải công cộng, duy tu bảo dưỡng.
Trong đó các dự án ưu tiên trong giai đoạn trước năm 2015 gồm nâng cấp, mở rộng ĐT. 781 (đoạn từ cầu K13 đến Ngã ba Suối Đá), ĐT. 782, ĐT. 786, ĐT. 786B, ĐT. 795, ĐT. 790 (từ Thị xã đến Suối Đá – Khe-dol đang được xây dựng), ĐT. 792, đường Nhà máy Xi măng Fico (ĐT. 792B), các đường biên mậu (đường từ ĐT. 792 ra tới Cửa khẩu Chàng Riệc, đường từ ĐT. 791 ra Cửa khẩu phụ Tân Phú, Tân Nam). Trong giai đoạn 2016 – 2020, tập trung hoàn thành các tuyến đường ĐT. 791, ĐT. 793, ĐT. 789, ĐT. 788, ĐT. 781B, ĐT. 783…
Nguồn vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch gồm nguồn từ ngân sách Trung ương (chủ yếu dưới 3 hình thức hỗ trợ từ Bộ GTVT theo kế hoạch hằng năm; vốn đối ứng của các khoản vay nước ngoài (ODA) – cũng từ Bộ GTVT; vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia); nguồn từ Quỹ bảo trì đường bộ; nguồn ngân sách địa phương.
Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn ODA hoặc viện trợ không hoàn lại của các nước, các tổ chức quốc tế đầu tư cho hệ thống giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, trong đó có tỉnh Tây Ninh.
Phát triển giao thông vận tải đường thuỷ để chia sẻ bớt áp lực hiện đang rất cao của vận tải đường bộ. Trong ảnh: Ghe vận chuyển lúa thu mua ở khu vực huyện Châu Thành qua cầu Bến Sỏi |
Phát hành cổ phiếu, trái phiếu; khuyến khích đầu tư theo phương thức BOT, BT, PPP…; đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực vận tải, xây dựng bến thuỷ nội địa, cảng sông, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh; huy động vốn ứng trước của các doanh nghiệp, trả chậm có lãi suất hoặc trả bằng tiền thu phí giao thông…
Đối với hệ thống giao thông nông thôn, có chính sách khuyến khích theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ một phần, huy động nhân dân tham gia phần chính yếu. Tranh thủ nguồn vốn từ các dự án phát triển giao thông nông thôn của Bộ GTVT và nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới.
Theo BTNO