Người nghiện chích ma tuý sử dụng kim tiêm quăng bừa bãi, gây nguy hiểm cho cộng đồng. |
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6.2014, tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (K48) có 215 người nghiện chích ma tuý đang cai nghiện (cai nghiện bắt buộc 205 học viên, cai nghiện tự nguyện 9 học viên và sau cai là 1 học viên); giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 87 học viên. Tuy nhiên, theo ước tính từ mạng lưới đồng đẳng viên nhóm nghiện chích ma tuý, số người nghiện trong thực tế cao hơn rất nhiều so với số quản lý được. Đa số người nghiện ma tuý có trình độ văn hoá thấp, không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho ma tuý.
Tính đến tháng 6.2014, số học viên quản lý sau cai tại nơi cư trú là 303 người. Trong đó, huyện có số người quản lý sau cai tại nơi cư trú nhiều nhất là huyện Trảng Bàng 59/303 người, kế đến là Hoà Thành 58/303 người, Gò Dầu 45/303 người, thành phố Tây Ninh 43/303 người… Huyện có số người quản lý sau cai ít nhất là Dương Minh Châu với 5/303 người, trong đó có 2 người đã hết hạn quản lý sau cai, chiếm 1,6%. Hầu hết các đối tượng về địa phương một thời gian ngắn đã tái nghiện, trong đó trên 50% thuộc những người không có việc làm hoặc bỏ địa phương đi nơi khác.
Trong những năm qua, Chương trình phòng, chống ma tuý và giáo dục cai nghiện cho người sử dụng ma tuý trên địa bàn tỉnh có nhiều thành công. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghiện trong nhóm người sau cai vẫn còn cao vì các học viên chưa có việc làm ổn định. Các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cùng với gia đình chưa quan tâm, động viên, tư vấn nhằm giúp đỡ học viên có một môi trường vui chơi, học tập, lao động sau khi tái hoà nhập cộng đồng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Tây Ninh (giai đoạn 2014 – 2015). Dự thảo kế hoạch này được xây dựng với mục tiêu triển khai 1 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh; dự kiến điều trị cho khoảng 400 người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành. Tổng kinh phí dự trù lên đến 15,3 tỷ đồng.
Theo Sở Y tế, Chương trình Methadone đã được triển khai tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2008. Kết quả đánh giá bước đầu đã ghi nhận những kết quả hết sức tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho bản thân bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và xã hội. Từ đó Chính phủ đã cho phép nhiều tỉnh, thành phố tiến hành triển khai chương trình Methadone. Đến nay tại Việt Nam đã mở rộng ra tại 20 tỉnh, thành phố với 60 cơ sở điều trị, có 13.000 bệnh nhân đang được điều trị (tính đến quý I năm 2013) và dự tính số bệnh nhân có thể tăng lên đến 80.000 bệnh nhân vào năm 2015.
Chương trình Methadone đã làm giảm đáng kể hành vi và tần suất sử dụng ma tuý trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị, 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này đã giảm xuống còn 14,05%, sau 12 tháng còn 9,05% và sau 24 tháng chỉ còn 8,41% số bệnh nhân tiếp tục sử dụng ma tuý. Trước điều trị, hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 12 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma tuý trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.
Song song đó, Chương trình Methadone còn làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm tỷ lệ tiêm chích ma tuý, góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ nhóm những người tiêm chích ma tuý sang bạn tình của họ và cộng đồng.
Theo BTNO