Triển vọng mô hình trồng khóm xen bưởi da xanh

Thứ hai - 19/06/2017 11:00 67 0
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập. Trong đó, mô hình trồng khóm (dứa) xen bưởi da xanh hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững đang có triển vọng.

DSC03124.JPG

Đoàn Trường đại học Nam Philippines cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình trồng khóm xen bưởi da xanh tại ấp Bàu Rã, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.

Ông Nguyễn Văn Cường- Chủ vườn khóm xen bưởi da xanh ấp Bàu Rã, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên cho biết, xuất phát từ nhu cầu đặt hàng của Nhà máy Tanifood (thuộc Công ty Lavifood), ông trồng 40.000 hom khóm xen với 350 gốc bưởi da xanh trên diện tích 1 ha. Ðây là giống khóm Nữ Hoàng, lấy từ Trung tâm Cây giống nông nghiệp Hậu Giang về nên bảo đảm năng suất và chất lượng.

Theo ông Huỳnh Văn Cư- Trưởng Trạm khuyến nông huyện Tân Biên, mô hình trồng xen canh khóm với bưởi vừa có thể phòng được một số loại sâu bệnh, vừa giúp tăng thêm thu nhập cho người trồng. Năm đầu tiên, người trồng tốn chi phí đầu tư khoảng 60- 70 triệu đồng/ha, từ năm thứ 2 trở đi, chi phí đầu tư sẽ hạ xuống nên lợi nhuận cao hơn.

Ngoài ra, việc trồng xen canh cây khóm vào bưởi còn giúp người dân lấy ngắn nuôi dài, vì sau hơn 8 tháng, khóm đã bắt đầu cho trái. Chu kỳ thu hoạch của khóm vào khoảng  3 năm, trong thời gian đó, cây bưởi cũng đã cho thu hoạch. Một chu kỳ cây khóm có thể thu hoạch được 4- 5 đợt.

Khóm sau thu hoạch sẽ được cung cấp cho Công ty Lavifood, với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Năm đầu do chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận khoảng 20 triệu trồng/ha, những năm sau lợi nhuận tăng cao- khoảng 80 triệu đồng/ha.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Tân Biên, cây bưởi khi trồng xen khóm sẽ hạn chế được rầy mềm, sâu vẽ bùa và rầy chổng cánh- tác nhân gây ra bệnh vàng lá, giúp tăng độ che phủ cho đất, hạn chế đất bị xói mòn và cỏ dại. Hiện nay, bệnh vàng lá vẫn chưa có thuốc đặc trị, vì vậy trồng xen canh khóm là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất, giúp bưởi phát triển tốt hơn.

Kết quả khả quan của mô hình trồng xen cây khóm với cây bưởi của ông Cường đã mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, địa phương chỉ khuyến khích bà con chuyển đổi trồng khóm ở một số diện tích cây trồng già cỗi, đất xấu, thiếu nước tưới hoặc những vùng đất còn bỏ hoang. Nếu mọi người ồ ạt chạy theo phong trào, chuyển đổi không phù hợp... có thể sẽ gặp khó khăn về đầu ra, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, UBND tỉnh đã ban hành đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, ngành đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, chuyển đổi cơ cấu các cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó bao gồm các loại cây ăn trái đặc sản như cây có múi (3.000 ha); cây khóm (200 ha), xoài (4.000 ha), mãng cầu (4.000 ha)...

Ðồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu; đầu tư chế biến sâu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu các loại cây ăn trái theo nhu cầu thị trường hướng tới xuất khẩu; phát huy cao hơn vai trò của doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ...

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây