Truyền thông giúp tăng tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND

Thứ hai - 29/02/2016 11:00 78 0
Bên cạnh những giải pháp đồng bộ, thì việc tăng cường truyền thông cũng được coi như một giải pháp quan trọng nhằm tăng số lượng nữ ĐBQH, HĐND các cấp.

Tại cuộc Tọa đàm “vai trò của truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp” vừa diễn ra, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh vai trò của báo chí, truyền thông trong việc thay đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, từ đó tăng tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp.

“Việc tuyên truyền của các cơ quan báo chí đóng vai trò rất quan trọng nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ trong tham gia quản lý, lãnh đạo”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.

Đứng từ góc nhìn của cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác tuyên truyền, TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, công tác tuyên truyền sẽ có tác động rất lớn đến việc tăng tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp.

Theo bà Hà, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc có đủ tỷ lệ nữ trong cơ quan quyền lực Nhà nước.

“Đó không chỉ là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với công tác phụ nữ; là hành động thiết thực thúc đẩy bình đẳng giới, mà còn mang ý nghĩa quốc tế”, bà Hà nói.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia và thể hiện những cam kết quan trọng vì sự bình đẳng và quyền con người của phụ nữ bằng các văn bản mang tính pháp lý quan trọng như: Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW – 1981); Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vì bình đẳng giới, phát triển và hoà bình của Liên Hợp Quốc (1995); Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Các văn bản đó đều nhấn mạnh vấn đề tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của phụ nữ tham gia trong Quốc hội và HĐND các cấp; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong quá trình giới thiệu phụ nữ ứng cử bảo đảm đạt trên 35% và tỷ lệ trúng cử đạt tỷ lệ 30% trở lên.

Khi nào thì tuyên truyền và tuyên truyền những gì?

Công tác tuyên truyền nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia trong Quốc hội, HĐND các cấp cần xác định là việc làm thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, bởi nó liên quan đến nhận thức xã hội nhận thức của từng người mà muốn làm thay đổi được cần phải có quá trình.

Tuy nhiên, vào dịp bầu cử là thời điểm tuyên truyền thích hợp nhất.

“Cần bám sát quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử để triển khai các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Cụ thể, trước ngày bầu cử thì trọng tâm là tuyên truyền về các quy định về bầu cử. Tiếp đó, trong ngày bầu cử, trọng tâm là vận động cử tri trực tiếp đi bầu cử, sáng suốt lựa chọn đại biểu xứng đáng bầu vào cơ quan quyền lực các cấp và tiến hành bỏ phiếu đúng trình tự, đúng quy định. Sau bầu cử, trọng tâm là tuyên truyền kết quả bầu cử, đại biểu nữ trúng cử, cổ vũ, động viên nữ đại biểu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ Đại biểu của nhân dân, đại biểu cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.

Về nội dung, cần làm rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong bầu cử.

Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền về bình đẳng giới; về vị trí, vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xã hội (nhấn mạnh lợi ích khi phụ nữ tham chính). Đồng thời, tuyên truyền về những đóng góp của các nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp đối với địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm và niềm tin của cộng đồng đối với các nữ ứng cử viên. Nêu gương các nữ đại biểu tiêu biểu.

Về đối tượng, công tác tuyên truyền cần chú trọng đặc biệt đến 2 đối tượng: cán bộ lãnh đạo các cấp liên quan trực tiếp đến công tác bầu cử như lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ và các đoàn thể, những người có tiếng nói, có ý kiến quan trọng trong việc quyết định giới thiệu phụ nữ tham gia ứng cử; cử tri, những người trực tiếp ghi phiếu bầu cử cho phụ nữ.

Về phương thức, cần thiết phải sử dụng nhiều hình thức, phương tiện tuyên truyền một cách phù hợp. Có thể sử dụng tổng hợp nhiều hình thức, phương tiện tuyên truyền để tăng hiệu ứng và mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. 

Theo chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây