UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 12/01/2015 10:00 117 0
Ngày 31 tháng 12 năm 2014, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 3050/QĐ-UBND triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mục tiêu của kế hoạch là triển khai thực hiện hiệu quả Đề án và phát huy lợi thế về khả năng sản xuất một số loại vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo cơ chế thị trường, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc liên kết sản xuất, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Xây dựng từng chỉ tiêu cụ thể để căn cứ phấn đấu hoàn thành đúng thời gian đã đề ra.

Kế hoạch yêu cầu các địa phương cần phát huy lợi thế để phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, lợn, gà tập trung; chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp trên cơ sở theo quy hoạch chăn nuôi tập trung đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từng bước chuyển dần chăn nuôi tại các khu dân cư đông người ra khỏi vùng theo quy hoạch của tỉnh; hình thành chăn nuôi theo quy hoạch. Từng bước tổ chức chăn nuôi theo hướng công nghiệp áp dụng công nghệ về giống, quy trình chăn nuôi tốt, quy trình phòng chống dịch, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và xử lý môi trường.

Theo kế hoạch vừa ban hành, nhằm tránh dịch cúm gia cầm tái phát và các dịch bệnh khác thì ngành chăn nuôi gia cầm phải được quy hoạch lại theo hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn; giảm dần phương thức chăn nuôi truyền thống phân tán, nhỏ lẻ. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc gia cầm phải đăng ký với cơ quan thú y để thẩm định điều kiện vệ sinh thú y. Khi có đủ điều kiện vệ sinh thú y do cơ quan thú y xác nhận và các quy định khác theo quy định của pháp lệnh giống vật nuôi, pháp lệnh thú y, bảo đảm xử lý chất thải và vệ sinh môi trường mới được sản xuất kinh doanh. Các cơ quan chức năng hướng dẫn và khuyến khích các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi đăng ký chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Ưu tiên xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình trọng điềm và dự án đầu tư như các dự án đầu tư xây dựng mô hình quy trình thực hành chăn nuôi gia cầm an toàn; các dự án đầu tư phát triển giống heo và chăn nuôi heo an toàn; các dự án đầu tư giống bò thịt chất lượng cao và chăn nuôi bò sinh sản; các dự án kêu gọi đầu tư phát triển chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra một số định hướng cho từng ngành cụ thể như sau:

Đối với  ngành chăn nuôi lợn: Tập trung nuôi chủ yếu ở các huyện có truyền thống chăn nuôi lợn như huyện Châu Thành, Gò Dầu, Dương Minh Châu và Trảng Bàng. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 270.000 con, năm 2020 đạt 355.000 con.

Đối với ngành chăn nuôi gà: Phát triển chăn nuôi trên những vùng có lợi thế như huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 5.100.000 con, năm 2020 đạt 6.800.000 con.

Đối với ngành chăn nuôi bò thịt: Tập trung phát triển ở những vùng có lợi thế về đất đai như huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu và Trảng Bàng. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 58.400 con, năm 2020 đạt 64.000 con.

Đối với ngành chăn nuôi bò sữa: Tập trung phát triển ở những vùng có lợi thế về chăn nuôi bò sữa trước đây như huyện Trảng Bàng, Gò Dầu. Riêng huyện Bến Cầu do vài năm trở lại đây có xu hướng phát triển con bò sữa do Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamlik) đang đầu tư sản xuất với số lượng con giống 8.000 con, nên đây là huyện ưu tiên phát triển con bò sữa. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 8.000 con, năm 2020 đạt 12.000 con và xây dựng nhà máy chế biến sữa.

(Chi tiết Quyết định số3050-QD-UBND.pdf)

Thúy Kiều

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây