Rệp sáp bột hồng là đối tượng dịch hại mới và nguy hiểm, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam vào năm 2012 và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên phát hiện đối tượng dịch hại này. Trong năm 2012, toàn tỉnh có 168,7 ha mì nhiễm rệp sát bột hồng, đến năm 2013 tăng lên 1.155,6 ha, phân bố ở 8 huyện, thành phố: Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Thành phố Tây Ninh. Đến nay tình hình nhiễm rệp sát bột hồng trên cây mì đang có chiều hướng giảm, tính đến tháng 01/2014 diện tích mì nhiễm rệp sát bột hồng trên toàn tỉnh là 86,1 ha.
Việc giảm diện tích mì nhiễm rệp sát bột hồng, có sự đóng góp rất lớn của ngành Bảo vệ thực vật của tỉnh trong nỗ lực khống chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Trong đó ngành Bảo vệ thực vật đã sử dụng phương pháp sinh học (phóng thích ong ký sinh) để phòng trừ rệp sáp bột hồng mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục để công tác phòng, chống rệp sáp bột hồng trên cây mì trong thời gian tới được hiệu quả hơn. Ngày 06/3/2014, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1001/TB-VP, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:
UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi, giám sát và phát hiện sớm rệp sáp bột hồng trên cây mì ở trên địa bàn mình quản lý; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về công tác phòng, chống rệp sáp bột hồng trên cây mì cho nhân dân hiểu và áp dụng; Nắm lại tình trạng mua bán mì non trên địa bàn, lập danh sách người bán, người mua để phục vụ cho công tác phòng, chống rệp sáp bột hồng trên cây mì được hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động nguồn lực, bố trí cán bộ có chuyên môn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp tiêu hủy, cũng như theo dõi, giám sát toàn bộ các diện tích trồng mì của tỉnh. Thực hiện hỗ trợ cho nông dân có diện tích mì bị rệp sáp bột hồng gây hại phải tiêu hủy; Tăng cường công tác kiểm dịch thực vật, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của rệp sát bột hồng theo hom giống từ vùng nhiễm sang vùng khác;
Kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống sự lây lan, gây hại của rệp sáp bột hồng; Mở rộng, nhân nuôi ong ký sinh nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác phòng, chống sự lây lan, gây hại của rệp sáp bột hồng trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân lợi ích của việc sử dụng ong ký sinh để phòng, chống sự lây lan, gây hại của rệp sáp bột hồng.
Thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài; tăng cường công tác hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, các viện nghiên cứu để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; Huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức quốc tế để thực hiện công tác phòng, chống sự lây lan, gây hại của rệp sáp bột hồng hiệu quả hơn.
Sở Tài chính thẩm định và có kế hoạch bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống rệp sáp bột hồng.
Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, cá nhân có liên quan làm thủ tục công nhận các sáng kiến khoa học, kỹ thuật.
Báo, Đài Phát thanh – Truyền hình Tây Ninh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng bài, phát sóng các phóng sự trong chương trình thời sự, chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
K.Thành