Vai trò của Hợp tác xã trong xóa đói, giảm nghèo và trong xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 13/04/2015 16:00 149 0
Thực hiện phương châm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các mô hình phát triển kinh tế tập thể, cụ thể là các tổ hợp tác và hợp tác xã của tỉnh ta đã có những bước phát triển về số lượng, chất lượng, quy mô và hình thức hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

HTX Thuan Phong.jpg

Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Phong ra mắt (Ảnh minh họa)


Đến nay, tỉnh đã có hơn 1.340 tổ hợp tác và 92 hợp tác xã ở các lĩnh vực như: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ,…với 43.179 xã viên. Với mục tiêu đặt lợi ích của tập thể, của xã viên lên hàng đầu, hợp tác xã ngày càng thu hút đông đảo các thành viên tự nguyện tham gia.

Điển hình, trên địa bàn tỉnh hiện nay có các tổ hợp tác và hợp tác xã như: tổ hợp tác trồng mì, tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt, tổ hợp tác nuôi bò sinh sản, tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn, hợp tác xã làm bánh tráng, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thuận Phong hoạt đông trong lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua và vận chuyển trái mãng cầu…

Mặc dù đã trải qua quá trình phấn đấu lâu dài và gặp không ít khó khăn, song trong thời gian qua, hợp tác xã nông nghiệp đã chủ động vươn lên và ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của mình, góp phần quan trọng trong việc thực hiện ổn định thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

 Với sự nỗ lực của bản thân từng thành viên hợp tác xã nông nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, theo hướng sản xuất hàng hoá và hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà.

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cho hàng hóa của bà con nông dân.

Trong thời gian gần đây, hợp tác xã đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách nhà nước, đồng thời tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn dân cư, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Việc phát triển loại hình hợp tác xã nông nghiệp cũng chính là giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Điều này được khẳng định qua việc thực hiện Bộ 19 Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất quy định: xã có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Do vậy, vai trò của các tổ chức kinh tế hợp tác mà cụ thể là vai trò của hợp tác xã nông nghiệp là hết sức quan trọng, vừa thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, vừa tạo ra nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân và cũng là điều kiện để hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương.

 Bài học kinh nghiệm từ các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp, nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng thành quả đạt được thì vẫn có một số tổ hợp tác và hợp tác xã chưa phát huy được đúng vai trò của tổ chức kinh tế tập thể. Do đó, trong thời gian qua đã tiến hành giải thể 6 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, không đúng  điều lệ và Luật Hợp tác xã, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ hợp tác và các hợp tác xã còn lại phát triển.

Mục tiêu năm 2015, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào việc củng cố các cơ sở hiện có theo hướng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, phát triển hợp tác xã theo hướng dây chuyền khép kín. Đặc biệt tìm giải pháp thực hiện dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên, tạo sự gắn kết giữa hợp tác xã với xã viên, thu hút đông đảo nông dân gia nhập, tạo mối liên kết chặc chẽ trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp ba con vươn lên làm giàu và đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây