Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, Nghị định nêu rõ mức phạt đối với các vi phạm quy định về điểm truy cập Internet công cộng. Cụ thể, phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: không tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định; đại lý Internet sử dụng đường truyền thuê bao của hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho công cộng; để người sử dụng Internet thực hiện các hành vi cấm theo quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; điểm truy cập Internet công cộng không có hợp đồng đại lý Internet; để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, cờ bạc, mê tín dị đoan.
Đồng thời, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không treo biển “Đại lý Internet” hoặc “Điểm cung cấp dịch vụ truy cập Internet công cộng”; thiết lập hệ thống thiết bị Internet để cung cấp dịch vụ ngoài địa điểm đã đăng ký trong hợp đồng đại lý Internet; hệ thống thiết bị Internet không đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin theo quy định; cung cấp dịch vụ truy cập Internet thấp hơn chất lượng hoặc không đúng với giá cước trong hợp đồng đại lý Internet.
Bên cạnh đó, một trong các hành vi: Không ghi số đăng ký kinh doanh đại lý Internet trên biển “Đại lý Internet” đối với đại lý Internet phải ký hợp đồng đại lý Internet; không ghi tên doanh nghiệp hoặc không ghi số giấy phép cung cấp dịch vụ Internet của doanh nghiệp trên biển “Điểm cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho công cộng”; không thể hiện đầy đủ các hành vi bị cấm theo quy định trong nội quy sử dụng dịch vụ Internet; không niêm yết nội quy sử dụng dịch vụ Internet theo quy định; không niêm yết giá cước thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng.
Ngoài ra, tùy từng hành vi vi phạm, các điểm truy cập Internet công cộng chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 đến 3 tháng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/01/2014.
HM