Xây dựng nông thôn mới - những điều băn khoăn

Thứ ba - 17/06/2014 00:00 140 0
Sau một thời gian bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã Bình Minh (thành phố Tây Ninh) đã đạt được 14 trên tổng số 19 tiêu chí. Với phương châm tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau, 14 tiêu chí mà xã đạt được chưa phải là những tiêu chí đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn - ông Phan Văn Phát, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết như thế.

Trường THCS Nguyễn Văn Linh (xã Bình Minh) đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Theo lời ông Phát, để đạt được 14 tiêu chí nói trên, chính quyền xã đã thực hiện chủ trương thông tin thật đầy đủ để người dân hiểu rõ nhằm tạo sự đồng thuận cao theo tinh thần “dân biết, dân làm, dân hưởng lợi”. Đến nay, diện mạo xã ngoại thành của thành phố Tây Ninh đã có những nét đổi thay đáng kể. Người dân trong xã tích cực đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới dưới nhiều hình thức khác nhau như thành lập tổ liên kết sản xuất, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, làm kênh mương nội đồng vv…vv…

Gồng mình để đạt chuẩn

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Bình Minh đã huy động được hơn 7 tỷ đồng từ sự đóng góp của người dân và các doanh nghiệp. Trong số hơn 7 tỷ đồng ấy có hơn 2,5 tỷ đồng được quy ra từ việc hiến đất, cây trồng. Và nếu tính trong 3 năm qua, tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đã hơn 64 tỷ đồng. Năm 2014, chính quyền địa phương chủ trương vận động mỗi hộ dân đóng góp 50.000 đồng, riêng cán bộ, đảng viên mỗi người 100.000 đồng gọi là chung sức xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch, cuối năm 2014, cùng với 8 xã khác trên địa bàn tỉnh, xã Bình Minh sẽ hoàn thành việc xây dựng xã nông thôn mới. Tuy vậy, cho đến thời điểm này xã vẫn còn 5 tiêu chí chưa đạt. Cụ thể là các tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, thu nhập, môi trường. Trong 5 tiêu chí vừa kể, theo như lời lãnh đạo xã đã nói: “Phấn đấu đến cuối năm đạt tiêu chí về giao thông và một số tiêu chí khác”.

Tuy nhiên, tiêu chí về giao thông hiện đang có những bất cập. Theo quy chuẩn, các tuyến đường giao thông nông thôn được làm theo hình thức cứng hoá (không đổ nhựa, chỉ rải sỏi đỏ) chiều rộng của mặt đường là 3,5 mét, thế nhưng trên thực tế những tuyến đường đang có lại rộng hơn 3,5 mét. Theo quy định, tỉnh chỉ cấp ngân sách làm đường rộng 3,5 mét, còn nếu muốn làm rộng như hiện trạng đang có thì địa phương (huyện, thành phố) phải tự lo. Cho đến nay, chuyện làm đường 3,5 mét hay làm theo chiều rộng như hiện trạng vẫn chưa được quyết.

Đối với tiêu chí về trường học, theo quy định thì những xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới phải có 100% số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong số 5 trường học trên địa bàn xã Bình Minh hiện đã có 3 trường được công nhận đạt chuẩn. Hai trường chưa đạt chuẩn là Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình.

Theo tính toán, để hai trường này được công nhận đạt chuẩn quốc gia phải cần đến 26 tỷ đồng. Thế nhưng, cho đến hết quý I của năm 2014, nguồn vốn được phân khai chỉ mới có 6 tỷ đồng. Ngay cả khi có tiền, việc hai ngôi trường nói trên đạt chuẩn vào cuối năm 2014 cũng không thể thực hiện được, bởi thời gian xây dựng một ngôi trường (dù toàn phần hay bán phần) có nhanh nhất cũng phải mất 1 năm.

Riêng về tiêu chí thu nhập, xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới phải có thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 30 triệu đồng. Con số này- theo điều tra, khảo sát của UBND xã Bình Minh chỉ mới đạt 28 triệu đồng. Chính quyền xã đang làm hết sức mình, tìm mọi cách để đến cuối năm 2014 đạt mức 30 triệu đồng/người.

 Một trong những tiêu chí về môi trường ở xã nông thôn mới là “không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp”. Hiện tại, do xã Bình Minh vẫn chưa đạt được tiêu chí này nên trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ “phối hợp ngành tài nguyên môi trường kiểm tra, xử lý triệt để các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất kinh doanh”.

Huy động dân – đóng góp bao nhiêu thì vừa?

Theo kế hoạch, năm 2015, xã Tân Lập, huyện Tân Biên sẽ hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Một trong những lợi thế của xã Tân Lập là địa phương từng có một thời gian dài được thụ hưởng chính sách của Chương trình 135 (hỗ trợ đối với vùng nông thôn biên giới khó khăn), do đó có thuận lợi hơn các xã khác về kết cấu hạ tầng.

Đây là một trong những lý do để Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh quyết định chọn Tân Lập (thay cho xã Trà Vong) làm địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015. Mặc dù vậy, ở xã vùng biên này cũng đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Về xây dựng nông thôn mới, theo chủ trương của xã, sẽ làm theo công thức Nhà nước 70% và người dân 30%.

Cụ thể, tại các ấp Tân Hoà, Tân Tiến, Tân Đông 1 và Tân Đông 2 có tổng cộng 27 tuyến đường phải làm theo hình thức cứng hoá. Kinh phí để hoàn thành các tuyến đường này cần phải có hàng chục tỷ đồng. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Lập, chính quyền sẽ vận động mỗi hộ dân trên địa bàn đóng góp từ 3 đến 5 triệu đồng trở lên (trừ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách).

Tuy nhiên, nhiều người dân ở ấp Tân Tiến không đồng tình với mức đóng góp mà họ cho là quá cao đó. “Vài trăm ngàn thì còn được, chứ huy động mỗi hộ đóng góp đến 4-5 triệu đồng thì ai chịu nổi! Tôi đi làm thuê mỗi ngày có bảy chục ngàn, tiền đâu mà đóng?”- người đàn ông chuyên kiếm sống bằng nghề nhổ mì thuê than thở. Một giáo viên cho biết, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, vậy mà ấp phân bổ mức đóng góp đến 4 triệu đồng, như thế là “rát” quá!

 Được biết, tại ấp Tân Tiến, để làm 7 tuyến đường cần nguồn kinh phí gần 8,3 tỷ đồng. Trong đó dân đóng góp khoảng 2,4 tỷ đồng. Lấy số tiền này chia cho số hộ trên địa bàn ấp thì mỗi hộ gia đình phải đóng hơn 3 triệu đồng. Một cán bộ cơ sở nhận định, người dân chưa nhất trí việc đóng góp này. Theo ý kiến của một cán bộ đoàn thể, có lẽ nên thu theo hình thức ai có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, không có tiền thì đóng góp công sức. Trước tiên, cán bộ, đảng viên phải đóng góp trước để người dân noi theo.

Lo...bệnh mạn tính

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, bởi lẽ nông thôn nước ta trước nay còn khá lạc hậu. Thế nhưng, qua 3 năm triển khai xây dựng, có thể thấy còn nhiều vấn đề phải được tính toán lại nếu như muốn có nông thôn mới đúng thực chất.

Một trong những điều cần quan tâm là lấy mức sống của người dân để làm chuẩn. Nâng cao thu nhập của người dân là một điều không hề đơn giản, bởi giá cả thị trường và bao thứ chi tiêu khác trong đời sống hằng ngày không thể chỉ đóng khung trong tiêu chí 30 triệu đồng/năm. Đó là còn chưa kể, khó có thể bảo đảm rằng kết quả điều tra, khảo sát về mức thu nhập của người dân là chính xác, bởi nhiều người có thu nhập không thường xuyên, không ổn định.

Quan sát các xã điểm xây dựng nông thôn mới, không khó khăn để nhận ra rằng, hầu hết các địa phương chỉ tập trung làm đường và xây cất các công trình. Điều này không có gì sai. Tuy nhiên, các công trình xây dựng chỉ là bộ mặt bên ngoài, chưa phản ánh được mức sống của người dân. Có thể ví điều này giống như ai đó gồng mình để làm cho được một ngôi nhà thật đẹp nhưng bên trong lại chẳng có cái gì! Các biểu hiện về bệnh thành tích, bệnh chạy theo tiến độ trong xây dựng nông thôn mới cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Các tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tiêu chí về hộ nghèo, về môi trường… hiện đang có chỉ dấu cho thấy độ tin cậy không cao. Ví dụ như chuyện mua thẻ bảo hiểm y tế, theo quy định xã nông thôn mới phải có 70% người dân tham gia. Trong thực tế, tỷ lệ này không phải năm nào cũng đạt được. Ví dụ như xã Bình Minh, năm 2013 có hơn 70% dân số có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đến hết quý I của năm 2014 con số này chỉ còn khoảng 40%, do người dân không chịu mua.

Đối với tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, đúng là hiện nay ở nhiều xã, tỷ lệ hộ nghèo còn rất thấp (ít nhất là trên... bản báo cáo). Nhưng, chuẩn nghèo- như báo Tây Ninh từng đề cập nhiều lần- còn rất thấp, có thể nói, chuẩn nghèo hiện không còn ý nghĩa. Điều này cũng có nghĩa: nếu được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, song mức sống của người dân vẫn thấp, vậy thì “nông thôn mới” có đủ nghĩa hay không?

Tiêu chí quy định xã nông thôn mới phải xanh, sạch, đẹp, nhưng làm sao ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường hiện vẫn cứ là vấn đề phải bàn đến dài dài. Hoạt động công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến các mặt hàng nông lâm sản ngày một phát triển thì ô nhiễm môi trường là điều khó có thể tránh được. Thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin về việc cơ quan chức năng “bắt quả tang” một vụ xả nước thải ra môi trường của một doanh nghiệp nào đó. Với công nghệ sản xuất, chế biến lạc hậu, nhiều doanh nghiệp chấp nhận chuyện… thường xuyên vi phạm!

Cách nay chưa lâu, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí sốt ruột về thực trạng kinh doanh, chế biến nông sản và đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở nông thôn. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, xây dựng các nhà máy chế biến, thu mua nông sản tại chỗ cho nông dân. Đây có thể là một hướng đi đúng nhưng làm được quả không dễ chút nào.  

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây