Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Nghị quyết số 32/2016/QH14 và theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương rà soát, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành quản lý, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, các nhiệm vụ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 của Quốc hội.
Tiếp tục tổ chức quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên cập nhật, đưa tin phổ biến cách làm hay, các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời khuyến khích, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, xác định rõ tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, trong đó cần tập trung vào các tiêu chí nhằm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng nguy hại đến đời sống của người dân nông thôn, nhất là ở các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đối khí hậu; quan tâm đến các tiêu chí về đời sống người dân, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, an toàn xã hội; các tiêu chí về văn hoá, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của các vùng, miền, sự vững mạnh của hệ thống chính trị; xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với đô thị văn minh.
Nghiêm túc công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, cần tập trung rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng, miền, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Coi trọng các nội dung tổ chức sản xuất gắn với Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; giải pháp hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hoá lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và cấp quốc gia.
Cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Bảo vệ môi trường nông thôn, tập trung giải quyết vấn đề thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi, nước thải làng nghề, khu - cụm công nghiệp...) và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn.
Đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình
Kế hoạch nêu rõ, đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình, gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu, các dự án hỗ trợ khác trên địa bàn; về nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngoài nguồn vốn đã được Quốc hội bố trí, trong quá trình thực hiện tranh thủ các nguồn lực khác, kể cả vốn vay quốc tế để tăng thêm cho Chương trình; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao.
Bên cạnh đó, công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua. Rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Định kỳ, tổ chức điều tra về sự hài lòng của người dân đối với tiến độ và kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện Chương trình.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức và chất lượng của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng nông thôn mới; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và tâm huyết để làm chuyên trách về xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu công việc nhưng đảm bảo nguyên tắc không làm tăng phát sinh biên chế ở từng cấp; tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ cộng đồng thôn, bản.
Theo chinhphu.vn