Quang cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 4.2017.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì phiên họp.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Theo tờ trình của Sở Nội vụ về việc giao chỉ tiêu biên chế công chức năm 2017 cho các cơ quan hành chính trong tỉnh, năm 2016, tổng số biên chế công chức UBND tỉnh giao cho các cơ quan đơn vị là 2.005 biên chế. Trong đó cấp tỉnh giao 1.113 biên chế, đã sử dụng 1.1013 biên chế, chưa sử dụng 100 biên chế. Cấp huyện giao 892 biên chế, đã sử dụng 798 biên chế, chưa sử dụng là 94 biên chế.
Ngày 25.10.2016, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 3925/QĐ-BNV về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017. Tỉnh Tây Ninh được giao 1.979 biên chế công chức năm 2017, giảm 31 biên chế so với năm 2016.
Sở Nội vụ đã có Công văn gửi các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các, huyện thành phố góp ý về dự kiến giao biên chế công chức năm 2017. Qua lấy ý kiến, một số cơ quan, đơn vị đề nghị giữ nguyên hoặc thống nhất chỉ giảm 1 biên chế so với năm 2016.
Tại phiên họp, ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công thương cho rằng, không nên giảm biên chế đối với lực lượng Quản lý thị trường. Bởi lẽ hiện nay lực lượng Quản lý thị trường còn mỏng, trong khi Tây Ninh là địa bàn buôn lậu nhiều. Sắp tới, năm 2018, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường sẽ nặng hơn.
Đặc biệt, thời gian tới, quản lý thị trường còn quản lý các công việc mới như thương mại điện tử, bán hàng đa cấp, quản lý phân bón vô cơ... Đây là nhiệm vụ mới được giao cho ngành Công thương, cụ thể là lực lượng quản lý thị trường. Do đó, ông Công đề nghị UBND tỉnh từ đây đến năm 2021 không giảm biên chế lực lượng Quản lý thị trường.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, đối với cơ chế tinh giảm biên chế như hiện nay chỉ có giảm, không tăng. Từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ giảm từ 300 đến 400 người trong tổng số biên chế, sắp tới sẽ tiến hành rà soát, kiện toàn tính hiệu quả của bộ máy để làm cơ sở điều chỉnh lại chế độ tiền lương theo hướng cán bộ công chức ít nhưng kiêm nhiều việc, làm nhiều việc, tiền lương sẽ tăng.
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, với phân bổ biên chế theo hướng ngày càng giảm đi, điều quan trọng là từng ngành phải rà soát, đánh giá lại cơ cấu tổ chức bên trong, đặc biệt là ở các đơn vị trực thuộc về tính hiệu quả. Từ đó cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại vị trí việc làm cho phù hợp theo hướng một người phải nâng cao trách nhiệm để đảm bảo những công việc tương đồng, chứ không đơn thuần là một người một việc trên tinh thần bảo đảm, tinh gọn, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận, về cơ bản thống nhất với việc phân bổ biên chế công chức năm 2017 là 1.979 biên chế, giao Sở Nội vụ hoàn thành các thủ tục để thông qua HĐND tỉnh.
Đối với 8 nội dung đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tây Ninh đối với Chính phủ, về cơ bản các đại biểu tham dự phiên họp thống nhất. Trong đó, có bổ sung thêm 1 kiến nghị với Chính phủ xem xét đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác tại tỉnh Tây Ninh.
Về Chương trình hợp tác giữa Tây Ninh với thành phố Hà Nội, UBND tỉnh đưa 2 phương án dự thảo. Phương án 1 là chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 -2020; phương án 2 là chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội hướng về biên giới của thành phố Hà Nội cho tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các sở, ngành nghiên cứu và chọn 1 trong 2 phương án, có văn bản nêu ý kiến của mình về việc chọn phương án nào, gửi về UBND tỉnh trước ngày 7.4.2017.
Theo Báo Tây Ninh Online