Xem người nghiện là bệnh nhân

Thứ năm - 22/08/2013 00:00 274 0
Thực tế nghiện ma túy là một bệnh mãn tính não bộ, để chữa trị phải mất nhiều năm, công phu. Đấy là bệnh mãn tính nên điều trị phải thường xuyên, gần như người nghiện phải sống chung với phác đồ điều trị nào đó.

Xác định người nghiện là bệnh nhân đặt ra yêu cầu phải làm lại quy trình phục hồi bằng liệu pháp y tế, sau khi cắt cơn.

Ma túy gây rối loạn các quá trình tâm lý thần kinh (tâm thần), gây rối loạn 12 đôi thần kinh vận động não tủy, gây rối loạn hệ thần kinh thực vật. Vì thế, nhân cách người nghiện bị méo mó, họ thay đổi tính nết, không ổn định khí chất, mất dần xu  hướng tốt, hành vi thiếu hòa hợp, khó thích ứng xã hội. Do bị sang chấn tâm lý, nên họ khó kiềm chế được lý trí, mù mờ về nhận thức, rối loạn về định hướng. Vùng trí nhớ bị tổn thương khiến họ luôn bị ám ảnh, lo âu khó gạt bỏ được ma túy. Ma túy phá hoại xúc cảm, khiến người nghiện hưng phấn, trầm cảm bất thường, khí sắc không ổn định.

Do vùng cảm giác, tri giác bị phá hủy, nên họ nhận biết sai lệch về kích thước, lẫn lộn âm điệu, màu sắc, khiến đi chệnh choạng, nói ngọng nghịu. Ma túy còn tác động đến thần  kinh cơ, khiến người nghiện có khi nhảy nhót cuồng loạn, la hét thâu đêm, để rồi bải hoải do bị giảm trương lực cơ. Những biểu hiện rối nhiễu tâm lý, hành vi nêu trên đều do ma túy gây ra. Muốn tẩy rửa hết các tác hại thần kinh này, đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ quy trình phục hồi, người nghiện phải lao động cật lực để thải hết chất độc qua đường mồ hôi, nhưng không thể dùng lao động cật lực để  tẩy ma túy ra khỏi não bộ.

Ngoài ra, có mối quan hệ hữu cơ giữa quy trình phục hồi với phác đồ trị liệu và mô hình tổ chức. Cho nên sau khi cắt cơn, tức là cắt được hội chứng cai và rối loạn định hướng, bệnh nhân vẫn phải được tiếp tục chữa trị, vì lúc đó bệnh nhân vẫn bị trầm cảm ngắn và có hội chứng ám ảnh lo âu (nếu cho bệnh nhân đi lao động luôn để sau đó trả về cộng đồng, thì thế nào cũng tái nghiện). Cần cho bệnh nhân tập dưỡng sinh – liệu pháp hành vi, cùng lúc sử dụng phác trị bằng thuốc đặc hiệu. Phải điều trị xong, bệnh nhân mới có thể phục hồi hành vi, nhân cách. Sau đó cần tổ chức hội thảo chuyên đề tái hội nhập và tư vấn gia đình, để chuẩn bị kế hoạch tái hội nhập cho bệnh nhân, sau khi họ đã phục hồi kỹ năng thích ứng xã hội.

Chưa hết, đến lúc này người bệnh vẫn còn gặp rối loạn thích ứng xã hội và phản ứng với stress trầm trọng. Vì thế, bệnh nhân cần được điều trị bằng liệu pháp “miễn dịch hóa” ( tập thích ứng xã hội), rồi liệu pháp thích ứng xã hội, kết hợp với tư vấn phòng ngừa và phát hiện sớm tái nghiện ma túy, cùng với thuốc đặc hiệu.Chỉ đến lúc này, người cai nghiện ma túy mới tái hội nhập cộng đồng, sinh hoạt trong nhóm giáo dục đồng đẳng.

Như vậy, cắt cơn như bấy lâu nay mới chỉ dừng ở khâu điều trị định hướng, còn các khâu phục hồi hành vi, nhân cách, phục hồi kỹ năng thích ứng xã hội, tập tái hội nhập cộng đồng và tái hội nhập cộng đồng vẫn cần có phác đồ điều trị. Dùng lao động để thay thế cho phác đồ điều trị như hiện nay, chính là điểm rỗng của các trung tâm cai nghiện. Khẳng định người nghiện ma túy là bệnh nhân thì mới lấy y học làm liệu pháp chính, và chỉ có thế mới lấy lại thăng bằng về thần kinh và nhân cách cho người cai nghiện. Quy định thời gian cho cai nghiện cũng còn tùy thuộc vào mức độ nhiễm ma túy và thể trạng của mỗi người, tuy nhiên cần có đủ thời gian để tiến hành các  bước điều trị, dạy nghề cho người cai ma túy, và nhất thiết phải kết hợp phác đồ điều trị với khâu dạy nghề, lao động. Bởi thế cần xây dựng bệnh viện chữa ma túy kết hợp với dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.

MN (ST)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây