Chương trình được đề ra nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, tăng tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN), đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế đảm bảo cung cấp luận cứ khoa học cho các chủ trương phát triển nhanh và bền vững của tỉnh; tập trung xây dựng KH&CN Tây Ninh có trình độ trung bình tiên tiến so với cả nước, thực sự là động lực đưa tỉnh ta cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Với các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Chương trình như sau:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị tổ chức quán triệt Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Tỉnh uỷ đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; chủ động xây dựng kế hoạch hoặc Chương trình hành động của cấp hoặc ngành mình, trong đó xác định những việc cần làm ngay, những việc lâu dài, phân công cán bộ phụ trách và chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ KH&CN phục vụ cho sự phát triển của ngành, địa phương từ nay đến năm 2020.
Quá trình tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo Kế hoạch. Cụ thể hóa các văn bản quy phạm, các chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN của Trung ương và của tỉnh, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm, 5 năm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung các nội dung cần thiết đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao; bố trí cán bộ làm công tác quản lý KH&CN tại đơn vị mình; thường xuyên củng cố Hội đồng KH&CN đảm bảo công tác tư vấn về KH&CN đạt hiệu quả.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới trình UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển KH&CN của địa phương;
Phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư cho phát triển KH&CN; xây dựng những đề tài nghiên cứu sâu về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, dân tộc, tôn giáo nhằm xác lập những luận cứ khoa học, thực tiễn cho những quyết định, chủ trương của lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; Nâng cao hiệu quả việc ứng dụng từ kết quả nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho việc nhân rộng trong việc áp dụng vào sản xuất và đời sống xã hội; Tiếp tục triển khai thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN IS0 9001: 2008 trên địa bàn tỉnh.
Triển khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình năng suất chất lượng; dự án đầu tư trại thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học; điều tra, khảo sát tỷ trọng đóng góp của KH&CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trong tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ đầu tư phát triển đối với những tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN đáp ứng các điều kiện quy định. Chủ trì, phối hợp với Sở KH&CN hướng dẫn các đơn vị về thủ tục triển khai các dự án đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN được UBND tỉnh phê duyệt; tranh thủ nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN của trung ương và vận động nguồn vốn tài trợ đầu tư phát triển KH&CN từ các tổ chức khác.
Sở Nội vụ tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 37/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, chú ý đến lực lượng cán bộ KH&CN. Rà soát lại các văn bản của tỉnh trong thời gian qua có liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đội ngũ KH&CN để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn về KH&CN cấp tỉnh và huyện.
Sở Tài chính cân đối, bố trí dự toán kinh phí đảm bảo cho việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo kế hoạch của sở, ban, ngành, huyện thị.
Sở Công thương hướng dẫn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tổ chức thực hiện nội dung KH&CN phục vụ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và phát triển thị trường. Phối hợp với Sở KH&CN xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép các Chương trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh thuộc lĩnh vực theo dõi, quản lý để chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức kinh tế ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện các chương trình KH&CN nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các vùng chuyên canh, thâm canh; Tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao phù hợp phục vụ sản xuất và đời sống. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sau thu hoạch nhằm tằng năng suất, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn thực phẩm; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, bảo vệ rừng;
Cục Thống kê tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tính toán các chỉ tiêu liên quan đến Yếu tố năng suất tổng hợp từ hoạt động KH&CN đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát triển mạng lưới các hội thành viên trong các lĩnh vực KH&CN, tiếp tục tập hợp các cá nhân có năng lực KH&CN, vận động thành lập các hội chuyên ngành. Thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo KH&CN trên địa bàn tỉnh thông qua việc tổ chức hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật và phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chính sách, chương trình, dự án, đề án về phát triển KT-XH, giáo dục và đào tạo, y tế, KH&CN và môi trường có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc liên ngành.
TĐ