Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp quản lý Nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo quy định của pháp luật; áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Về nguyên tắc phối hợp, UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Công tác phối hợp quản lý nhà nước về giám định tư pháp phải bảo đảm tính thống nhất, kịp thời, có chất lượng, hiệu quả, tuân thủ pháp luật về giám định tư pháp và những quy định của pháp luật có liên quan. Việc phối hợp phải bảo đảm tính khách quan và phù hợp với điều kiện, quy trình, quy chuẩn chuyên môn của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình phối hợp. Khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng các phương thức văn bản; Tổ chức Hội nghị; Tổ chức kiểm tra, thanh tra; Thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Việc phối hợp quản lý về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp được UBND tỉnh quy định như sau:
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (sau đây gọi tắt là Đề án 258) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 1096/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án 258 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp, quy hoạch tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng ở từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh; tăng cường, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ người giám định tư pháp.
Lập kế hoạch, dự toán kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn nhằm phục vụ cho công tác giám định tư pháp.
Tham mưu, đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách ưu tiên, ưu đãi về vật chất và tinh thần đối với cơ quan, tổ chức chuyên môn khi tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình; thực hiện các vấn đề có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho người giám định tư pháp và người trực tiếp tham gia công tác giám định tư pháp.
Hỗ trợ về mặt pháp lý đối với người giám định tư pháp thuộc các sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp khi nhận được trưng cầu giám định.
Xem xét, thẩm định hồ sơ và thống nhất ý kiến trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp; kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện theo Đề án thành lập quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 của Luật Giám định tư pháp trước khi cấp giấy đăng ký hoạt động cho các Văn phòng giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan; xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
Trưng cầu giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các sở, ngành chuyên môn, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp.
Việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp.
Sở Tư pháp chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạt động giám định tư pháp, chủ trì giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Các sở, ngành chuyên môn có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của tổ chức giám định, người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý; phối hợp với Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương.
Cũng trong Quy chế này, UBND tỉnh quy định trách nhiệm của Sở Tư pháp cùng các đơn vị như Sở Y tế, Công an tỉnh và các sở, ngành chuyên môn quản lý theo lĩnh vực có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp; Đồng thời quy định trách nhiệm của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc.
TĐ