Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật

Thứ bảy - 18/05/2024 11:12 605 0
Chiều ngày 18/5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Phùng Đức Tiến – Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT; đồng chí Nguyễn Văn Long – Cục Trưởng cục Thú y, Bộ NN&PTNT; đồng chí Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ NN&PTNT; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở NN&PTNT các địa phương; đại diện các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định thương mại xuất khẩu nông lâm thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản các năm vừa qua đã có sự tăng trưởng đáng kể qua các năm, từ mức 48,70 tỷ USD năm 2021 tăng lên mức kỷ lục 53,22 tỷ USD năm 2022 và trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD. Chăn nuôi gia súc, gia cầm của Việt Nam có tiềm năng phát triển, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị

Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm như: Cúm gia cầm, Newcastle (bệnh gà rù), Tai xanh, Dịch tả lợn cổ điển, Lở mồm long móng ở gia súc, Dịch tả lợn Châu Phi. Ngành chăn nuôi Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ; nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp, từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung công nghệ, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm; trong đó, Tây Ninh một trong những tỉnh tiên phong xây dựng thành công nhiều vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.

Báo cáo về tình hình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB), Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay cả nước có 1.779 cơ sở ATDB (714 cơ sở đối với gia cầm, 971 cơ sở đối với lợn và 94 cơ sở đối với gia súc khác) và 152 vùng ATDB tại 60 tỉnh, thành phố (76 vùng đối với gia cầm, 24 vùng đối với lợn và 71 vùng đối với gia súc khác). Nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật theo quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ phấn đấu duy trì các vùng đã đạt ATDB và xây dựng hình thành vùng ATDB đối với gia cầm, gia súc theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE/WOAH).

Từ năm 2022 đến 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 62.000 tấn mật ong, 36.000 tấn sữa, 19.000 tấn thịt lợn, 11.000 tấn thịt gà và hơn 2.000.000 con gia súc, gia cầm và động vật khác. Đặc biệt, năm 2023, tổng sản lượng sản phẩm động vật xuất khẩu tăng 1,7% so với năm 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán các sản phẩm xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc; xuất khẩu thị gà chế biến sang thị trường Nhật Bản, Hồng Kông, 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu,...; xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Hồng Kông và Malaysia; xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong sang thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu; xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc;....

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết Tây Ninh là tỉnh có cơ cấu nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu GRDP của tỉnh với 19,8%, đóng góp hơn 21.725 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn được duy trì và phát triển ổn định; cơ cấu ngành chăn nuôi đã được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao, từng bước gắn với chuỗi chăn nuôi - giết mổ và chế biến sản phẩm xuất khẩu đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Đồng chí Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khái quát tình hình phát triển nông nghiệp của Tây Ninh tại Hội nghị

Tỉnh Tây Ninh đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và 2 Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, công bố 07 Dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực Nông nghiệp giai đoạn 2025 – 2030; công bố vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh và Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal thuộc Chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn. Đây là một trong những dự án được áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức, và Bỉ và phù hợp với quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng báo cáo quy trình và yêu cầu của một số nước đối với động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu; các yêu cầu về chứng nhận đối với sản phẩm Halal; công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật tại tỉnh Tây Ninh.

Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân chia sẻ công tác xây dựng vùng ATDB tại Tây Ninh

Ngoài ra, các địa phương, lãnh đạo các Doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong và ngoài nước có tham luận, thảo luận, đề xuất, kiến nghị, giải pháp xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm gia súc gia cầm xuất khẩu; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trình bày tham luận tại Hội nghị

Vạn Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây