Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo một số biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh

Thứ hai - 29/07/2019 17:00 215 0
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra; chỉ gây bệnh ở lợn nhà và lợn rừng; không gây bệnh cho người và các loài động vật khác; lợn bệnh có tỷ lệ chết cao lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại kinh tế lớn; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; hiện nay thế giới vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Tây Ninh là tỉnh thứ 62 xuất hiện Dịch tả lợn Châu Phi, ngày xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại Tây Ninh từ ngày 06/7/2019, tính đến ngày 22/7/2019 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 42 hộ; 11 thuộc 03 huyện (huyện Châu Thành: 07 xã, huyện Tân Biên: 03 xã, huyện Gò Dầu: 01 xã). Số lợn chết và tiêu hủy là 583 con. Do dịch chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại; tại khu vực các tỉnh phía Nam (kể cả tỉnh Tây Ninh), dịch có dấu hiệu lây lan ra diện rộng do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu mưa nhiều, ẩm độ cao; thích hợp vi rút phát triển và khó vệ sinh tiêu độc sát trùng (do bị mưa rữa trôi).

chongdich.jpg

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác xử lý, tiêu hủy và phòng, chống dịch. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình trên, nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cho phù hợp, ngày 26/7/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 1590/UBND-KTTC đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch sau đây:

Về xử lý lợn tại hộ chăn nuôi và tại trang trại có lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chung, dãy chuồng với lợn mắc bệnh, được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì được nuôi cách ly hoặc giết mổ để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện.

Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng nuôi chưa có lợn mắc bệnh, được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Trường hợp có nhu cầu giết mổ lợn: Được giết mổ để tiêu thụ thuộc địa bàn cấp huyện. Trường hợp có nhu cầu để nuôi: Được vận chuyển đến nơi khác thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh để nuôi với sự giám sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có lợn mắc bệnh, được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Trường hợp có nhu cầu giết mổ lợn: Được giết mổ để tiêu thụ thuộc địa bàn cấp tỉnh. Trường hợp có nhu cầu để nuôi: Được vận chuyển đến nơi khác thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh để nuôi với sự giám sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Đồng thời, kiểm soát vận chuyển lợn ra ngoài, vào vùng dịch của các trang trại chăn nuôi có điểm trung chuyển: Được vận chuyển lợn (để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm, để giết mổ) có kết quả âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ trại chăn nuôi đến điểm trung chuyển. Thời gian lưu giữ lợn tại điểm trung chuyển nếu chưa vượt quá 12 (mười hai) giờ thì không phải lấy mẫu xét nghiệm lại khi vận chuyển. Nếu vượt quá 12 (mười hai) giờ thì phải lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Chi tiết nội dung xem tại đây.

HN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây