Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non

Thứ hai - 15/07/2019 17:00 152 0

​Nhằm mục tiêu thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, ngày 11/7/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1476/KH-UBND triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2019-2020, Tây Ninh bảo đảm ít nhất 75% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; đào tạo bổ sung, thay thế số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên tăng thêm theo tỷ lệ huy động trẻ và số giáo viên còn thiếu hiện nay; Phấn đấu 100% giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục, ngay tại trường, năng lực tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; 100% giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non được bồi dưỡng nâng cao năng lực tương ứng theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn hiệu trưởng. Phấn đấu 100% giảng viên và CBQL giáo dục được đào tạo đạt chuẩn về trình độ theo quy định; Phấn đấu 100% giảng viên và CBQL giáo dục được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin, 100% nhà giáo và CBQL giáo dục mầm non được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng, 100% nhà giáo và CBQL giáo dục mầm non được bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm làm CBQL giáo dục.

Giai đoạn 2021 – 2025, Tây Ninh bảo đảm ít nhất 90% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; đào tạo bổ sung, thay thế đủ số giáo viên mầm non nghỉ hưu, số giáo viên tăng thêm theo tỷ lệ huy động trẻ; Phấn đấu 100% giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục, ngay tại trường, từng bước tiếp cận với trình độ của giáo viên các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN; 100% giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non mới, chuẩn hiệu trưởng mới; Phấn đấu 100% giảng viên và CBQL giáo dục được đào tạo đạt chuẩn về trình độ, trong đó 40% giảng viên và CBQL đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, 8% giảng viên cao đẳng đạt trình độ tiến sĩ; Bảo đảm 100% giảng viên và CBQL giáo dục được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Với các mục tiêu đề ra, nhiệm vụ chủ yếu tập trung thực hiện đổi mới công tác truyền thông, công tác quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non; Nâng cao năng lực các trường, khoa sư phạm đào tạo giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non; Đổi mới công tác đào tạo giáo viên mầm non, nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non; Đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non.

Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chịu trách nhiệm quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh; Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non; đào tạo sau đại học theo quy hoạch.

Nội dung chi tiết xem tại đây1476.pdf

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây