Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025

Thứ năm - 09/11/2023 08:33 427 0
Ngày 09/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3588/QĐ-UBND Ban hành kế hoạch Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025

I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (viết tắt là CNHT) phục vụ hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ đối với các lĩnh vực sau: Linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may – da giầy, công nghiệp công nghệ cao.
a) Lĩnh vực linh kiện phụ tùng
Phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa, cao su và linh kiện phụ tùng điện, điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 cung ứng được 30-40% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong và ngoài tỉnh. 
b) Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giầy
Phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giầy, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong và ngoài tỉnh của ngành công nghiệp dệt may đạt 40-50%, ngành da giầy đạt 50-60%.
c) Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao
Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Từng bước hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. 
Thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thuộc một số lĩnh vực vào hoạt động sản xuất như công nghệ sinh học (ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, bảo quản thực phẩm...), công nghệ vật liệu mới (ứng dụng vật liệu nano trong nông nghiệp, xử lý môi trường...).
II. GIẢI PHÁP
1. Giải pháp chung
1.1. Về xúc tiến, thu hút đầu tư
- Đổi mới nội dung, phương thức, cách thức tổ chức thực hiện xúc tiến, thu hút đầu tư phù hợp, hiệu quả. Ưu tiên có chọn lọc các thị trường chiến lược đối với các ngành lĩnh vực trọng điểm. Thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thân thiện với môi trường.
- Ưu tiên thu hút, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao gồm: Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, bảo vệ môi trường, bảo quản thực phẩm; công nghệ vật liệu mới (ứng dụng vật liệu nano trong nông nghiệp, xử lý môi trường...).
- Quảng bá rộng rãi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cung cấp thông tin kinh tế - xã hội cho các nhà đầu tư thông qua các hình thức tổ chức hội nghị, sự kiện hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thường xuyên triển khai các hoạt động xúc tiến tại chỗ như tổ chức các buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp trong nước; nhà đầu tư FDI nhằm tạo sự gắn kết giữa chính quyền, lãnh đạo các cấp với cộng đồng Doanh nghiệp. Xây dựng Kế hoạch, diễn đàn cho các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận khó khăn vướng mắc khi đến đầu tư. 
1.2. Cải cách hành chính
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện các thủ tục đầu tư; nâng cao ý thức trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tham mưu thực hiện các thủ tục đầu tư để giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, minh bạch, tạo môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.
1.3. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh 
 - Đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ tại kế hoạch này sẽ được hưởng mức hỗ trợ tối đa theo quy định tại Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh.
- Phát triển nguồn vốn ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
- Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao để từng bước hình thành, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. 
1.4. Tiêu chí ưu tiên lựa chọn dự án
Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả về đất đai, ít thâm dụng lao động, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, cơ khí, vật liệu mới, linh kiện ô tô, xe máy.
1.5. Về quy hoạch
Hoàn thiện quy hoạch các khu công nghiệp, trong đó nêu rõ loại hình, tính chất của từng khu công nghiệp để thu hút đầu tư phù hợp, hiệu quả. 
1.6. Về đào tạo nguồn lao động chất lượng cao
- Để đáp ứng cho mục tiêu phát triển CNHT, phải nâng cao công tác đào tạo nghề cho người lao động, ưu tiên các lĩnh vực có sử dụng máy móc, thiết bị có hàm lượng công nghệ cao. 
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao thông qua các chương trình thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.
- Xây dựng mô hình đào tạo liên thông gắn với sự tham gia 3 bên: doanh nghiệp - cơ sở đào tạo - cơ quan quản lý nhà nước.
Nội dung chi tiết xem tại tập tin đính kèm

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây