Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ tư - 12/09/2018 10:00 317 0
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn về việc quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, qua kết quả thực tế, thông tin từ Báo đài và cử tri phản ánh, vẫn còn tình trạng tổ chức, cá nhân xả rác bừa bãi, nhất là ven đường giao thông và các điểm gần chợ,… làm phát sinh mùi hôi, nước thải gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh và mất mỹ quan khu vực; trước tình hình trên, Ngày 12/9, UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thường xuyên và rộng rãi việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức quản lý chất thải rắn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải. Vận động người dân tích cực theo dõi, giám sát các tổ chức cá nhân xả rác bừa bãi, nhất là ven đường giao thông và các điểm gần chợ,… gây ô nhiễm môi trường, thông báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải;

Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện giảm thiểu, phân loại rác thải tại nguồn và chuyển rác thải đến đúng nơi quy định, chi trả cho dịch vụ thu gom và xử lý chất thải theo quy định; tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa chất thải hữu cơ làm phân compost để giảm thiểu chi phí xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường;

Bố trí điểm lưu trữ rác tạm thời, điểm tập kết rác hợp lý, không gây ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư; thông báo rộng rãi đến người dân địa điểm lưu trữ rác tạm thời, điểm tập kết rác để người dân biết thực hiện; thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường;

Đồng thời, phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định, có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo về cơ quan có chức năng xử lý theo quy định;

Thực hiện biện pháp kiểm soát để giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với việc sản xuất, sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường;

Song song đó, kiểm tra, giám sát tình hình thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn quản lý, trong đó ưu tiên việc rà soát, kiểm tra các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt đang bố trí trên địa bàn quản lý đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; Ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp về bảo vệ môi trường cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

Hợp đồng với đơn vị, tổ chức có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đủ phương tiện, năng lực theo tiêu chí lựa chọn nhà thầu thực hiện dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn tỉnh tại Công văn số 664/UBND-KTTC ngày 23/3/2018 của UBND tỉnh Tây Ninh. Nghiên cứu, đề xuất xã hội hóa công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm xe chuyên dụng, xe đẩy rác để mở rộng địa bàn, nâng cao tỷ lệ thu gom nhằm giảm sử dụng ngân sách nhà nước. Bố trí, phê duyệt kinh phí sự nghiệp môi trường cho cấp xã thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tùy theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương, xây dựng mô hình thực hiện công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đạt hiệu quả nhất. Nghiên cứu nhân rộng mô hình “nói không với túi ni lông” và “phân loại rác tại nguồn” trên địa bàn quản lý. Đẩy mạnh việc thực hiện các mô hình đã triển khai như: xây dựng nông thôn mới; các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng đô thị Xanh – Sạch – Đẹp, Văn minh”, “Phụ nữ tự quản về an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị”,… Đối với với các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì chỉ tiêu 17.5 về chất thải rắn trên địa bàn, kiên quyết xóa công nhận nếu không duy trì được chỉ tiêu 17.5.  

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, trách nhiệm của các đơn vị hành nghề thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo Điều 18, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn nếu phát hiện vi phạm xử lý đúng theo quy định pháp luật, có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị thực hiện không đúng hợp đồng ký kết.

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, nhân rộng mô hình điển hình xuất sắc về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại cộng đồng dân cư, tăng cường công tác phối hợp với cơ quan chức năng giám sát phản biện xã hội trong lĩnh vực này.

VT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây