UBND tỉnh góp ý Đề án phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn

Thứ sáu - 07/09/2018 17:00 229 0
Sáng ngày 6-9, UBND tỉnh họp góp ý Đề án phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì.

IMG_5301.JPG

Hình: Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, Ban Quản ý khu kinh tế tỉnh trình bày dự thảo Đề án phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tây Ninh hiện có 2 khu kinh tế cửa khẩu là Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài quy mô 21.284 ha và Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát quy mô 34.197 ha. Tính đến cuối tháng 6 năm 2018, các khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút được 61 dự án đầu tư, (trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thu hút 55 dự án, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát thu hút 6 dự án) tạo việc làm cho hơn 15.500 lao động.

Từ thực tế cho thấy, khu kinh tế cửa khẩu hiện chưa gắn kết với ý tưởng và quan tâm của các nhà đầu tư do vậy việc triển khai quy hoạch chưa có độ tập trung. Chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu đã có sự thay đổi, chính sách riêng bị bãi bỏ nên việc ưu đãi đối với các khu kinh tế cửa khẩu không còn sức hút đối với các nhà đầu tư, chính sách phát triển thương mại (chủ yếu bán hàng miễn thuế) để phát triển dịch vụ, đô thị nhà ở, công nghiệp… hiện không còn phù hợp.

Để định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh theo điều kiện thực tế và xu thế phát triển của thế giới, Đề án đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030, tập trung huy động các nguồn lực xây dựng các khu đô thị cửa khẩu, thành đô thị công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng phát triển bền vững, giữ vai trò quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh Tây Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, nghiên cứu áp dụng mô hình Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, chia thành 2 giai đoạn với các nội dung chủ yếu tập trung phát triển công nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistics, từng bước cải cách thủ tục xuất nhập khẩu, triển khai mô hình “một cửa một điểm dừng”, từng bước hình thành khu hợp tác qua biên giới theo mô hình “hai nước một khu”.

Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, nghiên cứu áp dụng theo mô hình khu kinh tế cửa khẩu thông thường, trong đó chú trọng vào việc thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh các hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới, phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại.

Qua góp ý của các sở, ngành, đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận, nhấn mạnh, Đề án này phải là cơ sở, tạo động lực cho sự khởi sắc của các khu kinh tế cửa khẩu. Trên cơ sở đánh giá sát thực trạng, những bất cập, khó khăn của hai khu và từng khu, cụ thể là về quy hoạch, nguồn lực, nguồn vốn, cơ chế chính sách, công tác xúc tiến đầu tư, kinh tế đối ngoại, từ đó, xác định tiềm năng, lợi thế, nhu cầu phát triển hiện nay của kinh tế cửa khẩu để đưa ra những giải pháp sát hợp; trong đó, thống nhất định hướng có tính khả thi như phát triển khu thuế quan, logictic, khu nghỉ dưỡng…

Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh còn lưu ý một số nội dung quan trọng khác mà Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cần tập trung thực hiện để bổ sung, hoàn chỉnh Đề án, trình UBND tỉnh vào cuối tháng 9 này./.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây