Công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên
Tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân, xây dựng và nhân rộng các mô hình phong trào toàn dân tham gia PCCC, thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH.
Chú ý an toàn trong sử dụng, lưu giữ, an toàn PCCC đối với xe điện (Ảnh Internet)
Tăng cường công tác quản lý đối với phương tiện giao thông sử dụng pin Li-ion
Công an tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề xuất Bộ Công an, tham mưu UBND tỉnh trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH đặc thù, phù hợp để phục vụ công tác PCCC hiệu quả với các đám cháy phương tiện giao thông sử dụng pin Li-ion và hạ tầng cho phương tiện giao thông sử dụng pin Li-ion. Thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với các công trình có bố trí trạm sạc điện, gara xe điện. Thường xuyên kiểm tra việc duy trì và đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở này.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức bảo đảm an toàn trong sử dụng, lưu giữ, an toàn PCCC đối với xe điện, đặc biệt là tại các hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ, các gara, hầm để xe tại các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người. Thường xuyên cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác PCCC có liên quan đến xe điện để cung cấp cho các ngành, đoàn thể để tuyên truyền.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và Sở, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, xây dựng, ban hành mới các quy định về hạ tầng xây dựng xe điện, trong đó có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn PCCC đối với trạm sạc, gara xe điện độc lập, gara xe điện trong nhà và công trình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công tác xây dựng, thi công, thiết kế các công trình hạ tầng phục vụ xe điện.
Sở Giao thông vận tải hướng dẫn áp dụng các quy định, yêu cầu về trang bị, ứng dụng các hệ thống phòng ngừa, cảnh báo và hỗ trợ an toàn trên các phương tiện giao thông sử dụng pin Li-ion trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường xe điện, pin xe điện trên địa bàn và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sửa chữa xe điện không đáp ứng quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông phối hợp với Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống cháy nổ khi sử dụng xe điện và có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố cháy nổ đối với phương tiện và hạ tầng phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC; quy hoạch và xây dựng hệ thống cung cấp điện, trạm cấp năng lượng xanh trên mạng lưới đường bộ thuộc phạm vi quản lý; hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông điện tại các cảng thủy nội địa, bến xe, nhà ga bảo đảm hài hòa, đồng bộ với quy hoạch phòng cháy, chữa cháy.
Theo thống kê hiện nay trên cả nước có khoảng 04 triệu xe đạp điện, xe máy điện đang lưu hành, doanh số tiêu thụ hằng năm liên tục tăng từ 30% đến 35%, đưa nước ta trở thành thị trường xe máy điện (E2W) lớn nhất khu vực ASEAN và lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Đối với ô tô điện, mức độ sử dụng tại Việt Nam tuy còn thấp, song số lượng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu tại Việt Nam trong thời gian gần đây đang tăng trưởng rất nhanh (năm 2021 chỉ có 167 xe, đến năm 2023 là 28.402 xe. Dự báo số xe ô tô điện lưu thông tại Việt Nam sẽ đạt 01 triệu xe vào năm 2028 và 3,5 triệu xe vào năm 2040). |
Ngọc Trần